Thiết kế “lấy cảm hứng” từ trang phục truyền thống của các quốc gia khác?
Vừa qua, công chúng không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước bài đăng của China Daily về bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 diễn ra hồi tháng 10.2018. Tờ nhật báo nói tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè). Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này là phong cách của Trung Quốc.
|
Khác với China Daily, các trang như Sina, Xinhuanet hay China fashion week không gọi loạt thiết kế này là “phong cách Trung Quốc”. Theo bài viết được Sina đăng tải hồi tháng 10.2018, bộ sưu tập của Ne Tiger với chủ đề Nhất đới (Một vành đai) và được “lấy cảm hứng” từ trang phục truyền thống của mười mấy quốc gia nằm dọc con đường tơ lụa trên biển cách đây 613 năm. Trang này cho biết các thiết kế kể trên giữ nguyên trang phục thời nhà Minh, phong cách sườn xám thời Thanh và thêm quần, mũ, đai cùng các phụ kiện phổ biến của các quốc gia Đông Nam Á để thêm phần mắt mắt, độc đáo.
|
“Lấy cảm hứng” hay “sao chép”?
Câu chuyện về bộ sưu tập Một vành đai nhận được sự quan tâm từ công chúng cũng như những nhân vật am hiểu về áo dài hay đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang.
|
Chia sẻ với báo Thanh Niên, nhà thiết kế Sĩ Hoàng - nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài, cho biết việc lấy cảm hứng từ các dân tộc khác, dù là trang phục truyền thống hay các loại hình nghệ thuật để làm sáng tạo mới cho các thiết kế trong lĩnh vực thời trang là điều bình thường. Tuy nhiên, bộ sưu tập của Ne Tiger khiến nhiều người bức xúc là ở chỗ có trang báo Trung gọi đây là “phong cách Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Sĩ Hoàng cũng nói thêm: “Các mẫu thiết kế của họ, có một số mẫu tôi xin lỗi phải dùng từ ăn cắp, trong đó có sao chép thiết kế của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, cô ấy cũng đã lên tiếng và có hình ảnh đối chứng. Họ đưa ra những lời giới thiệu rất trang trọng về bộ sưu tập ấy nhưng cuối cùng lại có mẫu vi phạm bản quyền”.
|
Cũng theo nhà thiết kế này, đây không phải là lần đầu tiên anh thấy trang phục áo dài được chú thích như một loại trang phục của Trung Quốc. Trên trang cá nhân, Sĩ Hoàng kể năm 2008, anh có dịp tham quan Bảo tàng Kimono. Thời điểm ấy, bảo tàng có triển lãm chuyên đề Lịch sử trang phục 5.000 năm Trung quốc. Tại đây, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài đã không khỏi bất ngờ, lo lắng và phẫn nộ khi thấy hiện vật nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc. Phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ “Trang phục hiện đại Trung Quốc”.
Theo Hoa hậu Ngọc Hân, cũng là một nhà thiết kế áo dài nhiều năm, các thiết kế trong bộ sưu tập của Ne Tiger khiến người tiêu dùng, những người làm về thời trang và bạn bè quốc tế đặt câu hỏi: Đây có thực sự là sáng tạo hay không? Người đẹp cũng cho biết cách diễn giải của báo Trung về bộ sưu tập vẫn còn nhiều nhiều sự nhập nhằng, không rõ ràng từ đó gây phẫn nộ trong cộng đồng người Việt. Trả lời việc các thiết kế của Ne Tiger “lấy cảm hứng” nhưng lại có trang phục sao chép y nguyên áo dài của nhà thiết kế Việt, Ngọc Hân cho biết “lấy cảm hứng” và “sao chép” là hoàn toàn khác nhau.
|
“Bản thân tôi cũng là một nhà thiết kế và thường xuyên lấy cảm hứng từ văn hóa của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Ả Rập Xê Út… để đưa lên áo dài Việt Nam. Thế nhưng, lấy cảm hứng khác hẳn với sao chép y nguyên phom mẫu trang phục truyền thống của nước khác rồi nói đó là sáng tạo của mình. Điều này thực sự khá là lố bịch. Ví dụ như giờ chúng ta lấy trang phục truyền thống của nước nào đó như Ấn Độ hay Indonesia gì đó rồi thiết kế y hệt như vậy và nói rằng đó là thiết kế của chúng ta thì chắc chắn sẽ bị lên án”, Hoa hậu Ngọc Hân nói thêm.
Trong khi đó, nhà báo Trác Thúy Miêu - người am hiểu cũng như dành tình yêu đặc biệt cho tà áo dài Việt, không xem bộ sưu tập của Ne Tiger là bộ sưu tập trình diễn trong một tuần lễ thời trang. Nguyên nhân là bởi nhiều thiết kế trong số đó bê nguyên áo dài Việt Nam vào mà không có sự biến tấu, sáng tạo khác đi. “Bộ sưu tập thời trang tức là phải có yếu tố sáng tạo, can thiệp trực tiếp của nhà thiết kế lên cấu trúc, tỉ lệ của trang phục. Cái gọi là lấy cảm hứng, hơi hướng ảnh hưởng chỉ được coi là một trong những yếu tố đó”, Trác Thúy Miêu nêu quan điểm.
|
Nữ nhà báo tiếp tục: “Riêng với một số thiết kế nằm trong bộ sưu tập có chủ đề Nhất đới của hãng Ne Tiger, tôi thấy nó không có yếu tố sáng tạo. Tức là nhìn vào chúng ta có thể nghĩ đó là những mẫu này được mua ở chợ Bình Tây, ở Sài Gòn rồi đưa cho người mẫu mặc trình diễn. Nó không xứng đáng gọi là thiết kế thời trang, đó là trang phục của một dân tộc và họ có thể gọi đó là những mẫu vật sưu tầm chứ không phải thiết kế thời trang. Bởi vì tôi hoàn toàn không thấy dấu ấn riêng hay sự can thiệp của nhà thiết kế đâu cả”.
MC nổi tiếng tiếp tục nhấn mạnh nhiều mẫu trang phục của Ne Tiger không có yếu tố thiết kế mà cô chỉ thấy giống hệt áo dài người Việt Nam mặc từ đó đến nay, không có gì mới mẻ. “Nói đến thời trang mà lại không có gì mới mẻ thì chúng có thể được trưng bày ở viện bảo tàng chứ không phải ở một tuần lễ thời trang”. Ngoài ra, Trác Thúy Miêu cũng cho biết cá nhân cô không cảm thấy dễ chịu với chủ đề Nhất đới của bộ sưu tập bởi chúng khá nhạy cảm.
Áo dài cần được người Việt Nam bảo vệ
Đến nay, vẫn chưa có văn bản nhà nước nào công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam mà chỉ dùng với danh xưng “trang phục truyền thống”. Đề cập đến vấn đề này, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết Bảo tàng Áo dài cùng Hội di sản văn hóa TP.HCM thời gian qua đã tiến hành nộp hồ sơ trình lên cấp thẩm quyền để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng ý. “Giá như áo dài Việt Nam được công nhận là quốc phục thì đã không có chuyện xảy ra như ngày hôm nay từ phía Trung Quốc”, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài trăn trở.
|
Trả lời câu hỏi về việc cần phải làm gì để áo dài không còn xuất hiện trong bộ sưu tập nhạy cảm như trường hợp nói trên, nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Ở khía cạnh vĩ mô, nhà nước cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ cũng như công bố đây là quốc phục Việt Nam giống như người Nhật đã làm với Kimono hay người Hàn đã làm với Hanbok. Còn nói đến việc làm thiết thực, tất cả mọi người trong chúng ta hãy xem áo dài như một bộ thường phục và có thể sử dụng dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày: từ các dịp đi chùa, lễ hội đến những ngày giỗ chạp của gia đình…”.
Anh cũng mong các trường học nên giữ quy định mặc áo dài. “Thập niên 1990, rất nhiều nhiều trường học quy định học sinh mặc áo dài nhưng giờ lại bỏ dần, chỉ còn một vài trường mặc vào sáng thứ 2 chào cờ. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất không phải áo dài được nằm trong bảo tàng, trong văn bản giấy tờ mà phải được sống trong lòng công chúng, chứ không phải như một thứ quý giá chúng ta cất đi rồi lâu lâu mới lấy ra sử dụng”, nhà thiết kế này cho biết thêm. Cũng theo anh, nếu áo dài được người Việt mặc thường xuyên, trong nhiều hoạt động thường ngày và gắn liền với đời sống thì người khác không thể cướp đi hay mạo nhận về chúng được.
|
Nhắc đến vấn đề này, nhà báo Trác Thúy Miêu cho biết: “Khi chúng ta gia nhập WTO, chúng ta đã từng nói sẽ “Biến thử thách thành cơ hội” và đây là lúc mà người dân cùng các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam nên nhớ lại câu nói đó. Những thử thách mới ở đây là làm sao để chúng ta khẳng định cái chủ quyền văn hóa, chủ quyền biên giới hành chính. Như nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã nói: chủ quyền biên giới, hải đảo bị xâm phạm còn có quốc tế can thiệp, chứ chủ quyền văn hóa mà mình buông lơi, mình không bảo vệ thì chẳng ai bảo vệ cho mình hết”.
Cũng theo nhà báo này, ngoài hoàn thiện việc công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, người Việt cần có những hành động ủng hộ, bảo vệ cụ thể. “Sẽ chẳng có quốc gia nào dám ăn cắp tại chúng mình sử dụng nó hằng ngày, mình tôn vinh nó hằng ngày”, nữ nhà báo nói thêm. Trác Thúy Miêu cho biết sự việc lần này cảnh tỉnh người Việt Nam cần có ý thức, hành động tích cực để khẳng định chủ quyền văn hóa. Sự bảo vệ ấy không cần ồn ào, phô trương, chỉ cần cùng nhau thường xuyên mặc và giữ nếp mặc áo dài.
|
Cuối cùng, Trác Thúy Miêu mong muốn áo dài được tôn trọng ở cấp độ quốc gia: chính thức xem là quốc phục: “Tôi là người làm các chương trình văn hóa, khi dùng từ “quốc phục” vẫn bị kiểm duyệt vì chưa có giấy phép. Chính vì vậy tôi tha thiết, giống như là người vợ tha thiết nói với người chồng rằng mình muốn có một danh phận, tôi tha thiết xin cho áo dài một danh phận xứng đáng với lịch sử dân tộc Việt”.
Bình luận (0)