Biến bãi rác thành công viên

20/07/2017 07:47 GMT+7

Trước thực trạng nhiều vùng quê bị ô nhiễm bởi rác thải, một doanh nhân trẻ ở H.Xuân Trường, Nam Định đã đầu tư 8 tỉ đồng để làm mô hình “ Công viên bãi rác”, phục vụ người dân.

Tại TT.Xuân Trường, H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định có một bãi chôn lấp rác rộng 1 ha và lò đốt rác, nhưng đã quá tải từ lâu với lượng rác thải lên tới vài tấn/ngày, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cuối năm 2016, UBND TT.Xuân Trường phải cấp thêm 1 ha đất để mở rộng khu chôn lấp. Lúc này anh Trần Kiều - một doanh nhân trẻ ở địa phương đã đến UBND TT xin thực hiện dự án “Công viên bãi rác”.
Ông Trần Xuân Đán, Chủ tịch UBND TT.Xuân Trường kể: “Lúc đầu, nghe ý tưởng này, cả UBND TT đều tưởng chuyện đùa. Nhưng khi Kiều trình bày chi tiết, chúng tôi thấy khả thi. Tham khảo ý kiến thì được nhân dân đồng tình, nên chúng tôi quyết định để Kiều thực hiện. Dự án đã được khởi công ngày 11.5 vừa qua, thời gian thực hiện là 2 năm”.
Cũng theo ông Đán, dự án này có tổng mức đầu tư 8 tỉ đồng, trên diện tích đất 2 ha.
Tại “Công viên rác thải” sẽ xây dựng khu xử lý rác rộng 2.500 m2, với hệ thống xử lý rác khép kín từ khâu thu gom, phân loại, xử lý và tái chế các loại chất thải sinh hoạt, có công suất 50 tấn rác/ngày.
Tại đây, các loại rác thải sau khi phân loại, sẽ thu gom tái chế; số không thể tận dụng sẽ phân loại hữu cơ và vô cơ. Rác vô cơ sẽ được đem đốt, còn rác hữu cơ sẽ được xử lý thành đất trồng cây. Cùng với trồng cây xanh, dự án sẽ đầu tư các phương tiện vui chơi, giải trí, biến trên 1,6 ha đất còn lại thành công viên.
Mong người dân không còn bức xúc về rác
Cách đây 5 năm, Báo Thanh Niên đã từng viết về Trần Kiều, một cử nhân tin học đang thành công ở Hà Nội bỗng bỏ về quê là làng nghề cơ khí Xuân Tiến (xã Xuân Tiến, H.Xuân Trường) để học nghề cha ông. Sau nhiều thăng trầm, Trần Kiều mở Công ty TNHH Tân Thiên Phú chuyên sản xuất nhiều loại máy nông cụ như: máy cày, máy cấy, lò đốt rác, máy băm bèo… Và bây giờ chính Trần Kiều là người đã có ý tưởng táo bạo làm “Công viên bãi rác”.
Chia sẻ về ý tưởng này, anh Trần Kiều cho biết, do gắn bó với nhà nông, anh nhận thấy rác thải đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều vùng nông thôn, vì cách xử lý chủ yếu là chôn lấp và chỉ khắc phục được 20 - 25% vấn đề ô nhiễm.
Lượng rác ngày càng tăng, sẽ phải thường xuyên mở rộng diện tích bãi rác. Ô nhiễm sẽ càng lan rộng và không thể có đất để mở rộng bãi rác mãi được, nên anh đã đưa ra ý tưởng xử lý bãi rác bằng lò đốt Losiho, sử dụng phương pháp đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng. Lò đốt này do chính anh sáng chế và đã được đăng ký bản quyền. Trần Kiều cho biết, anh đang san lấp núi rác, sau khi xử lý rác thành chất hữu cơ, thì có thể trồng được cỏ, cây xanh. "Chúng tôi khẳng định điều này bằng thực tế là số cây xanh được trồng khoảng nửa tháng nay trên núi rác cũ, đang phát triển rất tốt”, Trần Kiều nói.
Trần Kiều cũng thẳng thắn chia sẻ: “Bỏ ra 8 tỉ đồng, tôi thừa nhận là có phần quảng cáo về công nghệ xử lý rác, nhưng mục tiêu lớn hơn của tôi là mong người dân nông thôn sẽ không còn phải bức xúc về vấn đề rác thải như hiện nay”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho biết, đến nay kiểm tra, đo đạc các lò đốt rác Losiho (do anh Trần Kiều sản xuất), đã lắp đặt tại xã Xuân Tiến (H.Xuân Trường, Nam Định) và một số địa phương khác đều đảm bảo tiêu chuẩn về bụi và các chỉ số hoá học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.