Trong bối cảnh 'càng tinh giản công chức càng tăng', việc UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch từ nay đến 2021 giảm gần 14.000 biên chế đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế để thực sự có đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng phục vụ dân - Ảnh: Diệp Đức Minh |
* Ông có đánh giá gì về việc tinh giản biên chế thời gian qua?
- Kể từ năm 2007 đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề án, quyết định về tinh giản biên chế. Nhưng sau 3 đợt tinh giản, theo báo cáo năm 2013 của Bộ Nội vụ, số lượng công chức trong bộ máy nhà nước không giảm mà lại tăng gần 25%. Đánh giá lại thì đa số người tinh giản trong các đợt tinh giản là những người sắp đủ tuổi hưu có nguyện vọng nghỉ trước. Còn các đối tượng không làm được việc, sách nhiễu, thoái hóa thì hầu như không xử lý được. Ở TP.HCM, biên chế thời gian qua cũng cứ tăng chứ không giảm.
Hiện nay, nếu những ai tâm huyết, theo dõi thường xuyên tình hình nền hành chính nước nhà đều băn khoăn. Thứ nhất, quyết tâm hô hào lâu nay đã quá nhiều mà tình hình thay đổi quá chậm, thậm chí có chiều hướng đáng lo ngại hơn. Hình như “con bệnh” tham nhũng, nhũng nhiễu đã quá lờn thuốc, có nguy cơ vi rút tham nhũng, thoái hóa đã "biến chủng" mà chưa xuất hiện thuốc đặc trị. Thứ hai, lâu nay chỗ yếu của chúng ta là tuy có kế hoạch tổng thể, chương trình này chương trình kia nhưng chưa quyết liệt thực thi, nhất là chưa tổ chức thực hiện dài hơi, khoa học, căn cơ, đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn, xóa bỏ các tệ tham nhũng, quan liêu để cho trong sạch bộ máy từ trung ương đến địa phương. Nếu không cương quyết thì dù có kế hoạch hay đến đâu cũng sẽ lại như mọi lần, là có hô hào kêu gọi nhưng dần dần mọi chuyện sẽ lãng quên, đâu sẽ vào đó, tình hình sẽ vẫn như cũ...
Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã tiếp tục lên tiếng, đề nghị việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước.
|
Tháo gỡ các rào cản
* Vì sao chúng ta vẫn chưa xử lý triệt để được tình trạng công chức thoái hóa, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây khó người dân?
- Luật Cán bộ, công chức đã được ban hành, nhưng trong đó không đề cập hành vi vi phạm công vụ như thế nào thì bị buộc thôi việc. Thực tế của chúng ta là cơ quan sử dụng công chức hầu như không được toàn quyền xử lý sai phạm công chức, đặc biệt là khi xử lý hình thức buộc thôi việc...
Một nỗ lực quan trọng có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển là phải tháo gỡ các rào cản, cản trở. Một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay là những bất cập trong bộ máy hành chính nhà nước, mà "thủ phạm" trong bộ máy đó không ai khác là các công chức thoái hóa, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng.
Trong khi đó, công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, công chức chậm được áp dụng để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào cảm tính thiếu định lượng. Người làm giỏi, người làm yếu, thậm chí không chịu làm thì cũng đánh giá sàn sàn như nhau. Tinh thần và thái độ phục vụ của công chức chưa có nhiều chuyển biến từ nền hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, phụng sự người dân...
Phải có cách giữ người giỏi, tâm huyết…
* Vậy phải làm gì để loại bỏ những công chức thoái hóa và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói, sự thành bại của cách mạng ngoài đường lối còn có khâu rất quyết định là cán bộ. Chính công chức trong bộ máy hành chính xây dựng nên thể chế, thiết kế tổ chức bộ máy và vận hành bộ máy hành chính. Sai một li đi một dặm, cán bộ, công chức, dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là con sâu, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh, thậm chí có thể làm hư cả nồi canh chung.
Trước hết, phải làm trong sạch bộ máy, cần loại ngay những công chức thoái hóa, đồng thời phải có cách giữ người giỏi, tâm huyết với nhiệm vụ phụng sự người dân. Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ quyết tâm làm trong sạch bộ máy. Để loại được công chức thoái hóa, năng lực yếu kém thì trước mắt cần nghiêm túc thực hiện đề án “Xác định vị trí việc làm”. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Đó là giải pháp để góp phần tinh giản biên chế.
Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm. Tuyển chọn công chức phải minh bạch, có tính cạnh tranh, thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy được. Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo. Trách nhiệm người đứng đầu hết sức quan trọng. Chọn người phải làm được việc chứ không phải chọn người chỉ biết xu nịnh. Người đứng đầu tâm huyết với sự nghiệp chung thì không thể nào dùng người xu nịnh, kém năng lực.
Với TP.HCM, yêu cầu chất lượng công chức phải khác với những địa phương khác. TP.HCM là đô thị đặc biệt, dân cư đông, dân trí cao thì đòi hỏi chất lượng công chức phải cao hơn mới đáp ứng yêu cầu công việc, chứ không thể bình bình được.
* Theo ông, có cần thiết thi sát hạch công chức và bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức?
- Chúng ta cần khẩn trương xây dựng luật hoặc quy chế cải cách hoạt động công vụ để điều chỉnh hành vi của công chức, qua đó sẽ góp phần tích cực phòng chống tham nhũng. Một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền hành chính trong đó mỗi công chức biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ…
Bên cạnh đó cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ cán bộ công chức làm cơ sở để đánh giá, đồng thời tăng cường thanh tra công vụ. Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới có cơ sở để đánh giá loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm. Cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức…
Rõ ràng kinh nghiệm các nước và nước ta cho thấy chế độ biên chế, tuyển dụng suốt đời tạo sự ỉ lại, sức ì, trì trệ đối với lực lượng lao động của các cơ quan công quyền. Vì thế rất cần sát hạch công chức định kỳ.
Giám đốc sở, chủ tịch quận không làm được việc cũng bị tinh giản
Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết kế hoạch TP tinh giản gần 14.000 biên chế (10% tổng số cán bộ, công chức và viên chức) có tính toán và lộ trình cụ thể, không làm xáo trộn hoạt động hành chính. “Người đứng đầu mà 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị tinh giản biên chế; không chỉ trưởng, phó phòng mà giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là đối tượng tinh giản”, ông Làm khẳng định và cho rằng: “Đây là chuyện công bằng, không rào cản và không phân biệt có chức vụ hay không chức vụ. Qua đợt tinh giản này cũng là dịp để cán bộ, công chức, viên chức rà soát lại mình, đối chiếu lại mình, xem mình có xứng đáng ngồi ở vị trí này hay không”.
|
Bình luận (0)