Biến chủng Delta gia tăng thách thức toàn cầu

01/08/2021 12:15 GMT+7

Biến chủng Delta và nguy cơ các biến chủng mới của SARS-CoV-2 đang đe dọa cả những nước giàu.

Hãng AFP hôm qua đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến chủng Delta là lời cảnh báo thế giới cần nhanh chóng khống chế đại dịch Covid-19 trước khi vi rút tiếp tục biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn. Biến chủng Delta hiện được ghi nhận tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và là mối lo ngại chính tại nhiều nước.

Lo ngại gia tăng

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, gần 4 triệu ca mắc Covid-19 được báo cáo đến tổ chức này trong tuần qua và theo xu hướng hiện tại, thế giới sẽ vượt ngưỡng 200 triệu ca trong 2 tuần tới, dù con số này là ước tính khiêm tốn. “Tính trung bình tại 5 trong số 6 khu vực của WHO, số ca mắc trong 4 tuần qua đã tăng 80%, tức là gần gấp đôi, chủ yếu do biến chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao”, ông cho biết.

Biến thể Delta Covid-19 lây mạnh dù đã tiêm chủng nhưng vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong

WHO cảnh báo SARS-CoV-2 luôn biến đổi kể từ khi được phát hiện và sẽ có nhiều biến chủng nguy hiểm hơn nếu vi rút tiếp tục lây nhiễm. Chuyên gia kỹ thuật Maria Van Kerkhove của WHO cho biết biến chủng Delta tập trung ở những người có nhiều tiếp xúc xã hội. Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố nghiên cứu cho thấy biến chủng Delta rất dễ lây lan và tải lượng vi rút ở những người đã tiêm chủng cũng tương tự ở những người chưa tiêm. Điều này cho thấy rằng những người đã chủng ngừa bị nhiễm biến chủng Delta vẫn có thể lây truyền vi rút, không giống như người mắc các biến chủng khác, theo CDC.

Diễn biến phức tạp

Trung Quốc bùng dịch rộng nhất từ sau Vũ Hán

South China Morning Post đưa tin Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 31.7 báo cáo 30 ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu ở các tỉnh Giang Tô và Hồ Nam. Phát ngôn viên NHC Mễ Phong cho biết các ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch mới đã được ghi nhận ở 14 tỉnh, phần lớn do biến thể Delta gây ra.
Ổ dịch này lần đầu được phát hiện ở sân bay Lộc Khẩu, thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) vào ngày 20.7. Đến nay, hơn 200 người mắc Covid-19 ở 26 thành phố khác tại Trung Quốc có liên quan đến đợt dịch này. Thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), nơi vừa trải qua lũ lụt nghiêm trọng, cũng ghi nhận một ca bệnh không triệu chứng và nhiều ca nghi nhiễm vào ngày 31.7. Ông Mễ cho biết trong tháng 7, Trung Quốc báo cáo thêm 328 ca mắc, gần bằng tổng số trường hợp của 5 tháng trước đó.
Nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp đối phó với đợt lây nhiễm này. Nam Kinh sẽ khử trùng sân bay Lộc Khẩu trong 10 ngày và đóng cửa tất cả điểm du lịch từ ngày 31.7. Thành phố Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến cũng cấm các cuộc tụ họp và yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết.
Đông A
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết nhiều khả năng sẽ có các hướng dẫn hoặc quy định giới hạn mới, dù chưa tiết lộ chi tiết. Cơ quan y tế nước này đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại những nơi công cộng trong nhà ở khu vực có tỷ lệ mắc Covid-19 cao, kể cả đối với những người đã tiêm vắc xin. Chính quyền liên bang cũng siết quy định, buộc hàng triệu nhân viên phải tiêm vắc xin hoặc đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên. Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 bình quân tại Mỹ là 32.278 ca/ngày, tăng 66% so với con số trung bình tuần trước đó và tăng 145% so với cách đó 2 tuần. Số tử vong trung bình trong tuần qua là 258 người/ngày, tăng 13% so với tuần trước đó.
Tại Thái Lan, tờ The Bangkok Post hôm qua đưa tin nước này ghi nhận thêm 18.912 ca mắc Covid-19 và 178 ca tử vong trong 24 giờ, cả hai con số đều cao chưa từng thấy. Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng 597.287 ca mắc và 4.857 ca tử vong. Thái Lan đang hy vọng có thể kiềm chế con số tử vong trong ngày ở mức dưới 200 nhờ tăng tốc tiêm vắc xin và áp dụng các biện pháp giới hạn trong 2 tháng.

Từ Nam Kinh, Trung Quốc đang có đợt dịch Covid-19 lớn nhất sau Vũ Hán

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại Tokyo (Nhật Bản), nơi đang diễn ra Thế vận hội, với con số kỷ lục là thêm 4.058 ca mắc vào hôm qua và lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000. Trước đó vào ngày 30.7, Nhật quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại 3 tỉnh gần Tokyo và Osaka. Nhật đã ghi nhận tổng cộng 915.346 ca mắc với 15.197 ca tử vong.

Nỗ lực đối phó

Dù biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết các biện pháp khuyến cáo nhằm kiểm soát lây nhiễm vẫn có hiệu quả, đáng chú ý là giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, vệ sinh tay và tránh ở nơi đông đúc, môi trường thiếu thông thoáng quá lâu. “Những điều đó giúp ngăn chặn biến chủng Delta, nhất là khi bạn có thêm vắc xin. Vi rút thích nghi hơn, lây lan nhanh hơn. Kế hoạch vẫn có tác dụng, nhưng chúng ta cần triển khai hiệu quả hơn nhiều so với những gì đã làm”, ông kêu gọi.
Hơn 4,06 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu và WHO luôn kêu gọi phân phối công bằng, đồng thời chỉ trích tình trạng mất cân bằng trầm trọng là “sự tổn thương về đạo đức”. Tại các nước thu nhập cao, tỷ lệ tiêm vắc xin trung bình là 98 liều/100 người, trong khi con số này chỉ là 1,6 liều/100 người tại các nước thu nhập thấp.
Theo ông Bruce Aylward phụ trách của WHO về cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX, nếu 4 tỉ liều được phân phối công bằng cho người trên 60 tuổi, thế giới căn bản đã tiêm đủ 2 liều cho tất cả những người có nguy cơ chịu hậu quả nghiêm trọng khi mắc biến chủng như Delta. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.