Biến chứng nặng do nhiễm RSV

30/01/2024 08:03 GMT+7

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong.


Khoa Nhi - Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) vừa tiếp nhận em bé 2 tháng tuổi từ tỉnh Thanh Hóa. Khi vào viện, bệnh nhi (BN) được chẩn đoán viêm phổi nặng sau nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV), suy hô hấp mức độ nặng phải thở máy.

Biến chứng nặng do nhiễm RSV- Ảnh 1.

Bệnh nhi thở máy, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư do biến chứng sau nhiễm RSV

NG.THANH

BN là trẻ sinh non (35 tuần). Trước khi vào BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BN điều trị viêm phổi tại BV tuyến tỉnh 11 ngày, đã ổn định và ra viện. Tuy nhiên, sau 2 ngày xuất viện, BN ho khò khè, đi khám và làm các xét nghiệm cho thấy bị nhiễm RSV.

THỜI ĐIỂM BÙNG PHÁT

Theo TS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi - BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, em bé mặc dù được đưa đến viện sớm nhưng với cơ địa đẻ non cộng thêm viêm đường hô hấp tái phát do nhiễm trùng trước đó thì bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn. Hiện nay BN phải thở máy.

Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, tại VN, bệnh do vi rút RSV bùng phát mạnh vào mùa đông - xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. Nhiễm trùng RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng, từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do vi rút. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong.

AI CÓ NGUY CƠ BỆNH TIẾN TRIỂN NẶNG ?

Giống như nhiều vi rút gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành do nhiễm bẩn bởi các giọt bắn có chứa vi rút RSV được thải ra từ người bệnh qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng. Hoặc do tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt bị nhiễm bẩn có chứa vi rút hoặc quần áo, vật dụng của người bệnh, bàn tay người bệnh, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng; khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua hôn hoặc mớm thức ăn...

TS Đặng Thị Thúy lưu ý nhóm người nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng là: trẻ sinh non; sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi); trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh; trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch.

Với người lớn, cần lưu ý với những người từ 65 tuổi trở lên; người bị hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); người bị suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, ung thư máu hoặc HIV/AIDS.

Theo TS Thúy, khi phụ huynh thấy con em mình có biểu hiện viêm nhiễm đường hô hấp, cần đưa ngay để cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh

Để ngừa lây nhiễm RSV cho trẻ nhỏ, người chăm sóc trẻ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh.

Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm; tránh dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có nghi ngờ nhiễm vi rút (các triệu chứng giống như cảm lạnh); che miệng và mũi khi ho và hắt hơi.

Khi trẻ bị bệnh, nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.