Tình trạng chuyển nặng rất nhanh
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện (BV) Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công, cứu sống bệnh nhi (BN) 3 tuổi bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng do biến chứng bệnh tay chân miệng (TCM). BN là bé trai có địa chỉ tại xã Minh Tân, H.Cẩm Khê, Phú Thọ.
Sau một ngày được theo dõi tại trung tâm y tế huyện nơi trẻ sinh sống, BN được chuyển đến BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng rất nặng, mạch nhanh, nhỏ, da tái, tiểu ít, sốt liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán BN mắc TCM độ 4 biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng. BN được điều trị tích cực, hỗ trợ thở máy và lọc máu liên tục.
Th.S-BS Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Sau khi kết thúc quá trình lọc máu, tình trạng huyết áp của BN được cải thiện. Tuy nhiên, do biến chứng tổn thương não nặng nên cháu bé bị liệt hầu họng, không nuốt được và liên tục xuất hiện những cơn ngừng thở, phải tiếp tục thở máy”.
Đến nay, sau hơn 2 tháng điều trị và phục hồi chức năng tích cực, BN đã bình phục, có phản xạ nuốt, có thể tự thở. Tình trạng bệnh đã cải thiện được khoảng 90%, không bị di chứng liệt, đang chờ ngày được ra viện.
Bác sĩ Phan Hồng Sáng cho hay, BN trên là một trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh TCM. Khi nhiễm vi rút gây bệnh cấp tính này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng chuyển độ nặng có thể rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Phòng bệnh tay chân miệng
“Cha mẹ cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu của bệnh TCM. Khi thấy con có các dấu hiệu như: lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối…, cần đưa trẻ đến khám và theo dõi sức khỏe của trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, nhận biết kịp thời nếu có diễn biến nặng”, Th.S-BS Phan Hồng Sáng lưu ý.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, bệnh TCM gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tập trung từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
TCM lây truyền bằng đường phân - miệng và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của BN trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà... Đặc biệt khi BN mắc bệnh đường hô hấp, việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người.
Mọi người đều có thể nhiễm vi rút gây bệnh TCM, nhưng không phải tất cả người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn.
Phòng bệnh TCM bằng cách giữ gìn vệ sinh, như: vệ sinh răng miệng; rửa tay trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt sau mỗi lần thay tã cho trẻ; ăn chín, uống sôi.
Bệnh nhi phải được cách ly
Trẻ mắc TCM không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, cần cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.
Tại gia đình, BN phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Người chăm sóc BN cần thực hiện vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ. Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, cần được chăm sóc riêng, không tham gia các hoạt động, gặp gỡ trẻ em khác như đến lớp, đi bơi...
Đặc biệt, cần theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh TCM, như: sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc trẻ nôn nhiều, quấy khóc vô cớ; giật mình nhiều (trên 2 lần trong 30 phút), thở nhanh, da tái…, cần phải đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi, điều trị kịp thời.
(Cục Y tế dự phòng)
|
Bình luận (0)