Biến chứng tim mạch - 'sát thủ' của bệnh nhân đái tháo đường

05/05/2019 05:00 GMT+7

Đái tháo đường có nhiều biến chứng, trong đó, biến chứng tim mạch là phổ biến hàng đầu và nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong gần 70%.

Nhồi máu cơ tim cấp vì… đái tháo đường

Bà T.T.M (60 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) phát hiện bị đái tháo đường cách đây 5 năm. Trong thời gian đầu, bà theo dõi và điều trị liên tục tại bệnh viện nên có kết quả điều trị tốt, đường huyết được duy trì trong giới hạn tốt.
Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc theo toa cũ uống. Tự đo đường huyết, thấy trong giới hạn bình thường nên bệnh nhân không đi tái khám theo hẹn định kỳ.
Vừa qua, trong khi đang dọn dẹp nhà cửa, bà M. đột nhiên lên cơn mệt, khó thở, đau ngực trái dữ dội. Bà được cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) và được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân được chụp mạch vành, can thiệp mạch cấp cứu và điều trị tích cực.
Hơn một tuần nằm viện, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục và có thể xuất viện.
Bác sĩ Trần Minh Triết, Khoa Nội Tổng hợp, BV ĐHYD, cho biết: Bệnh nhân bị biến chứng tim mạch do bệnh đái tháo đường. Rất may đã kịp thời đến bệnh viện để cấp cứu điều trị, nếu không hậu quả sẽ đáng tiếc.

Biến chứng âm thầm nguy hiểm

Theo bác sĩ Triết: Đái tháo đường là bệnh mạn tính do sự tăng glucose máu. Bệnh tiến triển dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch. Đái tháo đường có nhiều biến chứng, trong đó, biến chứng tim mạch là phổ biến hàng đầu và nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong gần 70%.
Bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam và nữ), như: tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,8 lần; tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên gấp 2,4 lần; tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới lên gấp 4,5 lần.
Đặc biệt, hầu hết những biểu hiện tim mạch do đái tháo đường thường âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan và làm cho các biến chứng này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khó điều trị.
Theo bác sĩ Triết, các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường có thể được phát hiện sớm qua khám và xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim,… Phát hiện sớm biến chứng giúp người bệnh được điều trị toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp…
Bên cạnh đó, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Khoa Nội Tim mạch, BV ĐHYD, nói thêm: Các biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường loại 2 không chỉ do đường huyết cao mà còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như: lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp… Người bệnh càng nhiều yếu tố nguy cơ thì tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch càng cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần có lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị, tầm soát sớm biến chứng đái tháo đường. Hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.
“Bệnh nhân đái tháo đường loại 2 khi đã được chẩn đoán cần điều trị sớm, theo dõi và duy trì suốt đời; tái khám định kỳ để được tầm soát các biến chứng. Việc tuân thủ điều trị là tối quan trọng”, bác sĩ Triết khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.