Mất dần tính chân xác
Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, kéo theo đó là sự gia tăng du khách đến khu phố cổ. Thành phố “già” này nhận được sự quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn từ T.Ư, nhà cửa người dân cũng được sửa chữa. Tuy nhiên, việc tu bổ nhà cổ ở Hội An đang mất dần tính chân xác do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Theo thạc sĩ Phạm Phú Ngọc (Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) thì hiện nay nguồn vật tư, vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích đang khan hiếm. Trong khi đó, hằng năm khu phố cổ phải đối mặt không dưới 10 trận lũ lụt. Khi nước rút, nhiều nhà gỗ cổ phải “gồng mình” với mối mọt, nấm mốc, buộc chủ nhà phải mua nguyên vật liệu về để trùng tu. Tuy nhiên, gỗ kiền kiền - loại vật liệu chủ yếu để làm rường, cột đang trở nên khan hiếm. Các loại gỗ nhập từ Lào, các tỉnh Tây nguyên lại kém chất lượng, non tuổi, rẻ tiền nên rất dễ hỏng. Đó là chưa kể việc sử dụng các loại gỗ khác để thay thế khiến cho nhiều nhà cổ đang mất dần tính chân xác.
|
Theo ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An, kỹ thuật trùng tu hiện tại cũng là một nguyên nhân khiến di tích bị biến dạng. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là dùng hỗn hợp vật liệu để xây, trát lên mái ngói âm dương. Nếu như trước đây người ta thường dùng vôi pha với xi măng với tỷ lệ vôi nhiều hơn thì giờ đây cũng với hỗn hợp này nhưng lại được pha với tỷ lệ ngược lại. “Pha vôi với tỷ lệ nhỏ hơn xi măng sẽ cho ra hỗn hợp có tính giãn nở rất hạn chế. Cho nên khi trát lên mái ngói âm dương một thời gian, đa phần nhà cổ đều bị dột khi trời mưa”, ông Hưng nói.
Khảo sát tại 20 di tích đã được tu bổ, thạc sĩ Phạm Phú Ngọc cho biết thêm, trung bình một di tích sẽ sử dụng khoảng 30 - 40 m3 gỗ, 40.000 - 60.000 viên ngói âm dương. Thế nhưng loại gạch ngói hiện tại không đảm bảo chất lượng, dễ bị thấm nước, dễ phân hủy cũng khiến nhiều ngôi nhà đang bị biến dạng. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực có kỹ thuật và tay nghề trong tu bổ di tích đang thiếu hụt cũng khiến tính chân xác trong tu bổ di tích dần mất đi. Thạc sĩ Ngọc đã đưa ra thông tin, trong khoảng 10 năm về trước, Hội An vẫn còn có nhiều thợ mộc với với kỹ năng cao tham gia trong quá trình bảo tồn khu phố cổ. Nhưng ngày nay đã có sự thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là lớp trẻ không muốn tiếp tục với công việc thợ mộc mà tìm những công việc khác tốt hơn.
|
Còn xác, mất hồn
|
Tính chân xác mất dần do hoạt động tôn tạo di tích chưa đảm bảo, chỉ mang tính vật chất. Điều đáng lo ngại hơn là hiện đa phần các ngôi nhà cổ đang được sử dụng để buôn bán, thương mại đã làm mai một giá trị tinh thần. Nhà thì vẫn mang dáng dấp cổ xưa, nhưng không gian bên trong đã được chuyển đổi phù hợp hơn cho trưng bày vải vóc, hàng ăn, quán cà phê... Hay nói cách khác, “xác” thì vẫn còn nhưng “hồn” thì đang mất. Tại buổi tọa đàm về hoạt động bảo tồn và phát huy khu phố cổ Hội An vào cuối tháng 3 vừa qua, trong báo cáo của mình, thạc sĩ Phạm Phú Ngọc đã cảnh báo: di tích thay đổi do điều kiện xã hội.
Dạo một vòng quanh Hội An, ai cũng có thể nhận thấy đi đâu cũng gặp cảnh người dân đua nhau làm dịch vụ trên các con phố. Và không thể phủ nhận, việc kinh doanh trong khu phố cổ đã mang lại nhiều lợi nhuận cho các cửa hàng khi hằng ngày họ có thể đón hàng trăm lượt khách du lịch mua sắm. Mục tiêu kinh doanh được người dân đề cao hơn nên di tích bị biến đổi chức năng sử dụng. Ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An cho biết: “Không ít ngôi nhà cổ hiện đã được cho thuê đến 10 năm để buôn bán khiến “hồn cốt” nhà cổ bị biến dạng theo. Không những vậy, nhiều ngôi nhà khác đã được bán cho người ngoài địa phương. Người cũ đi, người mới đến dọn dẹp hết vốn văn hóa phi vật thể sẵn có trong ngôi nhà”.
Đồng quan điểm này, thạc sĩ Ngọc còn nhấn mạnh hiện tượng thay đổi chủ sở hữu đối với các di tích tư nhân sẽ đi kèm các hoạt động sửa chữa, cải tạo di tích cho mục đích thương mại, không đảm bảo nguyên tắc tu bổ di tích. Di tích bị biến đổi chức năng sử dụng từ việc tháo dỡ các vách ngăn chia, không gian thờ tự trong quá trình tu bổ. Ông Tống Quốc Hưng nói thêm: “Điển hình là ngôi nhà ở số 16 Nguyễn Thị Minh Khai, chủ nhà đã ra nước ngoài sinh sống nên cho thuê nhà thờ tộc để người khác mở shop vải. Từ đó bố cục không gian truyền thống, cúng bái, tâm linh tại nhà cổ đang bị thu hẹp; không gian sinh hoạt cũng đang co lại để dành chỗ cho mục đích kinh doanh...”.
Hoàng Sơn
>> Phố cổ Hội An huyền ảo đêm giao thừa
>> Nhảy ở phố cổ Hội An
>> Đêm xuân ở phố cổ Hội An
>> Phố cổ Hội An như "đại công trường
>> Phố cổ Hội An ngập lụt
>> Hoa hậu Hoàn vũ đến phố cổ Hội An
Bình luận (0)