|
Ông Bạch Ngọc Thụy, thủ từ tại đình và chùa Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội), vẫn lắng nghe ý kiến đoàn thanh tra sáng 22.8, nhưng những người dự họp cùng cảm giác trên gương mặt ông có điều gì đó chưa ổn. Ông lặng lẽ nghe hết từng kết luận của ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL. Ông Phúc nói từng mục một rõ ràng: chùa và đình đã đặt thêm những con sư tử ngoại lai ở trong di tích; vô số các câu đối, các tượng, đồ thờ đưa mới vào nhiều; đồ đạc xếp đầy trong đình, biến di tích thành nhà kho; mái che mái vẩy được xây lên cũng không hề xin phép. Chưa kể chúng cũng còn bị đặt sai vị trí, không đúng nguyên lý văn hóa.
Không biết mình vi phạm
Quả đúng là ông Thụy chưa tâm phục khẩu phục hẳn, khi lên tiếng: “Chúng tôi không phải xây mà không xin phép. Khi nhân dân có nguyện vọng xây nhà thờ Bác Hồ, chúng tôi đã làm đơn lên phường. Phường cũng đã cấp phép. Chỗ chúng tôi xây dựng cũng là đất xanh, không vi phạm. Giấy tờ xin phép cho phép chúng tôi cũng còn giữ cả”. Ông Thụy cũng cho rằng, việc được phép để hiện vật gì, ở đâu cũng phải có hành lang pháp lý để người dân biết mà thực hiện.
|
Cho dù người dân ở đây đã xin phép phường, song với di tích cấp quốc gia như chùa và đình Mộ Lao thì phường hoàn toàn không có thẩm quyền cấp phép cả xây dựng lẫn đưa thêm hiện vật lạ vào di tích. “Tôi xin nói, những vi phạm này là vi phạm luật Di sản chứ không phải không có hành lang pháp lý”, ông Phúc khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó cục trưởng Cục Di sản, im lặng hồi lâu. Tới phiên mình đánh giá di tích, ông mở đầu bằng câu: “Tôi cảm thấy rất buồn”. Nỗi buồn đó của ông Toàn mỗi lúc một rõ hơn, vì lăng và chùa Mộ Lao là cụm di tích thứ hai mà đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL tới. Ở cả hai nơi, không hiểu sao đều có “tượng Phật Quan m trắng cầm bình cam lồ”. Tượng này, theo ông Toàn là để cứu độ khẩn cấp, khi có việc lâm nguy, không phù hợp với xã hội đương thời. “Từ năm 1996, bộ đã có văn bản gửi các sở địa phương về việc không sử dụng Phật Quan m trắng tại di tích”, ông Toàn nói.
Trước đó, khi đoàn thanh tra làm việc tại chùa Gia Quất (Long Biên, Hà Nội) cũng thấy tượng Quan m này được xây dựng trong di tích cấp tỉnh. Tại chùa Gia Quất, một đôi sư tử đá kiểu Trung Hoa đứng ngay tại cửa. Suốt dọc hành lang một loạt bảng đá ghi công đức được ốp vào tường, sánh vai cùng bằng khen, giấy khen các loại. Trên đó, những người có công đức từ 3 triệu đồng trở lên đều được ghi.
Nguyên nhân nỗi buồn của ông Toàn có vẻ như đã có từ lâu, có hệ thống. Bởi những vi phạm nói trên đã diễn ra từ nhiều năm tại các di tích được thanh tra. Các hiện vật bị đưa vào sai. Các hạng mục thi công cũng được đổ móng, xây thô rồi hoàn thiện mà không một cán bộ văn hóa nào kiểm tra. “Phải chi chúng ta quản lý di tích được như ngành xây dựng quản lý xây dựng. Chỉ xây một tí thôi là phát hiện ra ngay”, ông Toàn nói giọng rầu rầu về sự buông lỏng với các di tích văn hóa. Thậm chí tại Long Biên, trong khi cán bộ cho biết tập huấn về di tích được làm thường xuyên thì sư trụ trì vẫn hoàn toàn không hiểu luật Di sản.
Sư tử đá “trèo” lên bàn thờ
Việc tuyên truyền ở Mộ Lao chắc chắn sẽ rất khó. Vì ngay sát vách của chùa là Trường trung cấp Phật học Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, TP.Hà Nội. Và tại đây, không rõ vì sao, sư tử đá kiểu Trung Quốc còn “trèo” lên cả bàn thờ. Một địa điểm như vậy, với bài trí như vậy, sẽ khiến người dân tin việc sử dụng các hiện vật lạ là đúng.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Các sở VH-TT-DL trên toàn quốc sẽ làm công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân, các vị trụ trì, những người trông nom di tích trong cả nước di dời các linh vật, hiện vật không phù hợp trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 12.2014. Sang tháng 1.2015, các sở VH-TT-DL sẽ kiên quyết di dời. Bộ VH-TT-DL cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác thực hiện tại các di tích”.
Bổ sung cán bộ nghiên cứu mỹ thuật Cũng tại di tích chùa Mộ Lao, một bình phong được dựng trong sân, trên đó có hình một con hổ. Tuy nhiên, tạo hình hổ này rất xấu, không cân đối với phần má sưng to, răng chìa ra kỳ lạ (ảnh). Có lẽ cùng với việc thanh tra di tích theo luật Di sản, các đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL nên có thành phần là nhà nghiên cứu mỹ thuật. Điều này sẽ góp phần làm giảm sự phản cảm của các hạng mục mỹ thuật trong di tích.
|
Trinh Nguyễn
>> Vấn nạn tràn lan sư tử đá
>> Phục dựng 3D khu di tích Mỹ Sơn
>> Di tích 300 năm bị đổ nát
>> Bảo vệ rừng xẻ gỗ rừng di tích lịch sử
>> Phát hiện di tích khảo cổ thời đồ đá cũ
Bình luận (0)