Ngập lụt tại Hà Nội và TP.HCM là vấn đề cấp bách
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), tính đến 2024, nước ta có 250 doanh nghiệp hoạt động với 750 nhà máy xử lý nước sạch với tổng công suất hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch hơn 92%, trung bình cả nước 17,5%.
Về nước thải, cả nước có gần 410 khu công nghiệp đang sử dụng và xử lý nước thải với công suất 400.000 m3/ngày đêm. Có 71 doanh nghiệp thoát nước, xử lý nước thải chủ yếu là thoát nước dùng chung với 82 nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 1 triệu m3/ngày đêm, hiện sử dụng khoảng 700.000 m3/ngày đêm.
Theo ông Điệp, hiện khoảng 80 dự án xử lý nước thải với công suất hơn 2 triệu m3/ngày đêm cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom nước thải mới đạt 60%, tỷ lệ xử lý chỉ được 17%. Cùng với đó, vấn đề ngập lụt đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM đã trở thành vấn đề lớn, cấp bách hằng ngày mà thiếu có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Ông Điệp cho rằng, việc đầu tư hiện đang chưa đáp ứng được yêu cầu. Để 100% người dân được sử dụng nước sạch Việt Nam sẽ phải đầu tư lớn. Đây là con số rất thách thức trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Thách thức cho nguồn tài nguyên nước
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành nước của Việt Nam có nhiều thách thức. Trong đó thách thức lớn nhất là mà chúng ta đang gặp phải là do đất nước đang phát triển công nghiệp quá nhanh, quá nóng dẫn đến hạ tầng đáp ứng không kịp nên các dịch vụ thiết yếu trong đó có nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không nhỏ. Hiện nay, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn hán khủng khiếp. Chính vì vậy, một số tỉnh có công trình thu nước phải chạy tận lên thượng lưu, xa hàng chục km, thậm chí mang nước từ nơi khác đến để cấp cho người dân sinh hoạt.
Trong khi đó, bà Halla Maher Qaddumi, Chuyên gia kinh tế cấp cao ngành nước (Ngân hàng thế giới) cho biết, Ngân hàng thế giới đã tiến hành phân tích mối gia tăng và đe dọa liên quan đến nguồn nước có thể làm giảm GDP Việt Nam 6% mỗi năm từ nay đến năm 2035.
"Dự báo của chúng tôi sẽ thành hiện thực nếu Việt Nam không có bước khắc phục, quyết định ngay lập tức với những thách thức với nguồn nước như quá ít, quá bẩn, quá nhiều và vấn đề liên quan đến điều phối ngành nước cũng như cơ sở hạ tầng cũ thiếu thốn...", bà Halla Maher Qaddumi phân tích.
Vấn đề quá ít, bà Halla Maher Qaddumi cho rằng Việt Nam được xếp vào mức dồi dào nước nhưng đang phải đối mặt với tình huống hạn hán vào mùa khô tại các sông trọng điểm, nơi có thể cấp đến 80% GDP cho cả nước. Tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu trong vài thập kỷ tới chúng ta không có những hành động tích cực.
"Việc cạnh tranh về tài nguyên nước đã trở nên ngày càng trầm trọng hơn do năng suất thấp cho các lĩnh vực xử lý nước chính như ngành công nghiệp tưới tiêu. Đồng thời, việc quản lý nước kém trong nông nghiệp cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây nên phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sự an toàn của hàng nghìn con đập, vốn đóng vai trò cho việc bảo vệ an ninh nguồn nước cũng là những mối quan tâm lớn", bà Halla Maher Qaddumi nói.
Về vấn đề quá bẩn, bà Halla Maher Qaddumi cho rằng đó là việc ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, là mối đe dọa rất lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, nó cũng tác động rất lớn đến con người và môi trường.
"Ô nhiễm nguồn nước sẽ làm giảm GDP của Việt Nam 3,5% mỗi năm nếu chúng ta không có những hành động thiết thực để bảo vệ nguồn nước. Nguyên nhân của việc ô nhiễm là phần lớn nước thải chưa được xử lý đã xả thẳng vào nguồn nước. Ở Việt Nam có rất ít hộ gia đình có hệ thống thoát nước, trong đó, có chỉ có 15% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào nguồn nước", bà Halla Maher Qaddumi phân tích.
Về vấn đề quá nhiều, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam là đất nước dễ gặp rủi ro nhất ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu đang làm tăng rủi ro cũng như chi phí do hạn hán, lũ lụt. Ngoài biến đổi khí hậu, còn một số mối đe dọa khác như dòng chảy môi trường suy giảm, cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sụt lún đất... Với những nguy cơ này sẽ cần sự điều phối từ cấp quốc gia, các tỉnh thành và tư nhân.
"Mặc dù các bộ, ban, ngành của Việt Nam đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến mục tiêu đảm bảo nguồn an ninh nước quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần quản lý bền vững tài nguyên nước, cải thiện dịch vụ cung cấp nước cho nông nghiệp, năng lượng công nghiệp, sinh hoạt bởi đây là những yếu tố trọng tâm cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam", bà Halla Maher Qaddumi cho biết thêm.
Tuần lễ nước Singapore 2024 (SIWW2024) lần thứ 10 do cơ quan nước quốc gia của Singapore và Bộ Môi trường - bền vững của nước này tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sands, Singapore trong các ngày 18 - 22.6.
Sự kiện thu hút hàng nghìn chuyên gia, lãnh đạo về lĩnh vực nước bàn về các vấn đề giảm thiểu biến đổi khí hậu, bền vững về nước, hướng tới không khí cacbon thấp, tái chế tài nguyên, số hóa và vấn đề cốt lõi mới về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)