Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai diễn biến dị thường, trái quy luật

22/04/2022 18:47 GMT+7

Biến đổi khí hậu và thời tiết nóng lên trên toàn cầu khiến hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xảy ra nhiều hơn và có tính chất dị thường, trái quy luật.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng nhất trong 131 năm qua

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có báo cáo cập nhật mới nhất về diễn biến thời tiết, thiên tai xảy ra trong những tháng đầu năm nay và nhận định xu hướng thời gian tới.

Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, với sự nóng lên của trái đất và biến đổi khí hậu trong năm 2021 khiến nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã xảy ra ở Việt Nam và thế giới, nhiều kỷ lục mới được ghi nhận.

Mưa lớn trái mùa dị thường xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua gây ra ngập lụt diện rộng ở các tỉnh Trung bộ

T.n

Theo đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo - Nhật Bản (TCC), chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2021 cao hơn 0,22 độ C so với mức trung bình nhiều năm, cụ thể là thời kỳ 1991 - 2020. Với giá trị này, nhiệt độ trung bình toàn cầu được xác định là năm nóng thứ 6 trong chuỗi số liệu đã quan trắc được.

Đặc biệt, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 năm qua (2014 - 2021) được ghi nhận là chuỗi 8 năm liên tiếp có giá trị cao nhất trong 131 năm qua, kể từ năm 1981 trở lại đây.

Thời tiết nắng nóng năm 2022 diễn biến ra sao

Còn tại Việt Nam, trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn quốc được đánh giá là một trong những năm tương đối nóng với giá trị 24,6 độ C, cao hơn mức trung bình nhiều năm 0,7 độ C và được xếp là năm nóng thứ 5 trong chuỗi số liệu quan trắc được, kể từ năm 1971.

Thiên tai năm 2021 không lớn như năm 2020 nhưng được xem là một năm tương đối phức tạp, đã xuất hiện 18/22 loại hình thiên tai. Việt Nam chịu ảnh hưởng của 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây ra hơn 40 đợt mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng. Trong đó, bão số 9 có cường độ mạnh nhất, đạt cấp 14 - cấp 15, giật cấp 17 và đây là trị số gió đo trực tiếp lớn nhất trong khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam.

Thời tiết, thiên tai diễn biến dị thường, trái quy luật

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dẫn chứng về đợt mưa lớn trái mùa ở các tỉnh Trung bộ cuối tháng 3, để thấy biến đổi khí hậu tác động khiến thời tiết ngày càng dị thường. Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây, mưa lớn trái mùa hiếm gặp ở nam Trung bộ, nhất là xảy ra vào tháng 3.

Đặc biệt, trong ngày 31.3, một số nơi như A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã có mưa 256 mm, cao hơn rất nhiều so với kỷ lục cũ năm 2015 chỉ có 96 mm. Quảng Ngãi là 218 mm, cao hơn kỷ lục năm 1991 là 124 mm. Còn tại An Nhơn có mưa 136 mm, cao gần gấp 3 lần so với kỷ lục năm 2010, chỉ có 36 mm.

Nhận định về xu thế khí hậu, thời tiết từ nay đến cuối năm 2022, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho rằng, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Còn tại Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ, dự báo xa cho thấy, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các tháng cuối năm có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng năm nay xuất hiện muộn hơn so với nhiều năm và có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm nắng nóng kỷ lục năm 2020.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, nhiệt độ nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì đến khoảng giữa năm 2022 với xác suất khoảng 65 - 70%, sau đó sẽ chuyển dần về trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong những năm xảy ra sự chuyển pha ENSO như năm 2022 và chịu tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, nắng nóng… xảy ra nhiều hơn và thường có diễn biến trái quy luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.