Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm

22/11/2023 20:40 GMT+7

Giai đoạn 2011 - 2022, biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho Việt Nam hơn 245.000 tỉ đồng, tương đương hơn 10 tỉ USD.

Mỗi năm biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho nước ta hàng tỉ USD

Tại hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình" diễn ra ngày 22.11, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về tầm nhìn phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 theo hướng xanh hóa đang là xu hướng mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam cần tập trung theo đuổi xu hướng này để phát triển bền vững, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm - Ảnh 1.

TS Trần Đình Thiên chia sẻ về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho nước ta mỗi năm

CTV

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, nước ta cần có tốc độ tăng trưởng trung bình vượt trội giai đoạn 30 năm từ 1990 - 2020. Đồng thời, Việt Nam phải vượt qua nền kinh tế thâm dụng tài nguyên. Do vậy, cần chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô sang mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên bền vững hơn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng đã sản sinh lượng phát thải khí nhà kính lớn, mức độ phát thải tăng đáng kể trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức độ phát thải cao nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, xếp hạng 127/182 quốc gia. "Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, giai đoạn 2011 - 2022, Việt Nam thiệt hại hơn 10 tỉ USD do tác động của biến đổi khí hậu. Quy mô của những thiệt hại này, được dự đoán sẽ tăng nhanh. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên", ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời tăng nhanh qua từng giai đoạn, từng năm: ước tính giai đoạn 2001 - 2010, biến đổi khí hậu gây thiệt hại gần 80.000 tỉ đồng; giai đoạn 2011 - 2022 gây thiệt hại hơn 245.000 tỉ đồng. Ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra trong giai đoạn 2011 - 2022 đã tăng hơn 3 lần so với giai đoạn 2001 - 2010.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm - Ảnh 2.

Đông đảo đại biểu từ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tham dự hội thảo

CTV

Chính phủ đã ban hành các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho mỗi thời kỳ phát triển khác nhau. Gần đây nhất, tháng 10.2021, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính: giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Đáng chú ý, tại COP26 Việt Nam đã mạnh mẽ cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Muốn đạt được mục tiêu này, cần nỗ lực mạnh mẽ trong thay đổi chính sách, công nghệ, hành vi; đẩy nhanh tốc độ cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực năng lượng, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút vốn xanh, công nghệ xanh, tiếp cận thị trường xanh cho sản phẩm xanh…

Dư địa phát triển xanh còn rất nhiều nhưng thách thức không ít

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), cho hay tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Thịnh cho biết, dư địa phát triển xanh ở nước ta còn rất nhiều

CTV

Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý 3/2023, Việt Nam có 305 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2. Nếu so sánh với trên 100 triệu m2 sàn cho diện tích nhà ở và văn phòng mỗi năm, thì số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ. Cũng có nghĩa là tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này còn rất lớn.

Tại hội thảo, nói về các thách thức hiện hữu với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank nhấn mạnh 2 điểm chính.

Thứ nhất là về nguồn vốn, theo World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỉ USD để đạt NET ZERO. Nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30.6 chỉ đạt hơn 528.000 tỉ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh đã không còn rẻ nữa. Hiện nay lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay.

Thứ hai là năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.

"Tuy nhiên với thách thức luôn có cơ hội và Việt Nam vẫn có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh", ông Nam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.