Vết nứt khổng lồ ở Nam Cực |
nasa |
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 29 (COP26) chuẩn bị khai mạc tại Glasgow (Anh) vào ngày 31.10. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thương thảo những biện pháp với hy vọng có thể khống chế nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng trong phạm vi 1,5oC trong những năm tới.
Tuy nhiên, việc phá vỡ mức giới hạn đó không phải là điều khiến cộng đồng khoa học gia lo lắng, mà mấu chốt chính là các điểm tới hạn về khí hậu, theo AFP dẫn lời ông Tim Lenton, Giám đốc Viện Các Mạng lưới Toàn cầu của Đại học Exeter (Anh).
Điểm tới hạn là gì?
Cứ thử tưởng tượng bạn đang ngồi trên một cái ghế, nghiêng về phía sau trên hai chân. Đến một góc độ nhất định, cái ghế sẽ đổ xuống sàn nhà, và không có gì ngăn cản được. Ngưỡng phân biệt hai trạng thái đó chính là điểm tới hạn.
Về khía cạnh khí hậu, nếu nhiệt độ bề mặt địa cầu tăng đến mức làm tan chảy các thềm băng của Greenland và Tây Nam Cực, mực nước của các đại dương sẽ dâng cao hơn 12 m.
Tổng thư ký LHQ cảnh báo "điểm bùng phát" thảm họa khí hậu nếu vẫn còn "khoảng trống lãnh đạo" |
Nếu bứt phá điểm tới hạn, rừng nhiệt đới Amazon, nơi hấp thu ô nhiễm carbon của trái đất, có thể biến thành thảo nguyên trơ trụi.
Hoặc khu vực băng tầng vĩnh cửu, đa số ở Siberia và đang cầm giữ khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp đôi so với lượng khí đã hiện diện trong khí quyển, có thể sẽ phóng thích chúng quay lại không khí.
“Chúng ta đang chứng kiến một loạt các điểm tới hạn đang diễn ra ở trường hợp các rặng san hô và Bắc Cực, và có thêm nhiều điểm tới hạn khác trên bờ vực bị phá hủy”, theo dự thảo báo cáo về các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc thực hiện. Dự kiến tài liệu sẽ được công bố vào tháng 2 năm sau.
Trong đa số trường hợp, việc đảo ngược những thay đổi này nằm ngoài khả năng của nhiều thế hệ nhân loại, và có thể mất cả thiên niên kỷ nỗ lực không ngừng.
Một mảng rừng Amazon bị cháy năm 2019 |
afp |
Tại sao lại đáng sợ?
Nhà khoa học Hans Joachim Schellnhuber, Giám đốc sáng lập Viện Potsdam về Nghiên cứu Ảnh hưởng Khí hậu (PIK, Đức), nhớ lại cảm giác kinh hoàng vào thời điểm ông chính thức hóa giải bí ẩn liên quan đến điểm tới hạn cách đây 15 năm. Ông Schellnhuber là một trong những nhà khoa học đầu tiên giải mã được điều này.
“Cỗ máy vận hành của địa cầu, từ hệ thống gió mùa, vòng tuần hoàn của đại dương đến các luồng phản lực trong khí quyển, tức những hệ thống sinh thái lớn, đều gắn kết với những hệ thống phi tuyến tính”, chuyên gia Đức giải thích. Điều đó nghĩa là có quá nhiều điểm mà nếu vượt qua không thể quay đầu lại.
Ở Nam Cực, hơn phân nửa diện tích thềm băng, đóng vai trò ngăn chặn các sông băng chảy ra biển, đang đối mặt nguy cơ bị thu nhỏ vì biến đổi khí hậu.
“Nó giống như hành động tháo nút khỏi cổ chai, và chúng ta đang tháo từng nút một”, ông cảnh báo.
Các điểm tới hạn đủ sức thay đổi trái đất đều có những ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Giới khoa học biết về sự tồn tại của những ngưỡng đó, gọi chung là “dây bẫy” vì nếu giẫm lên ngưỡng này sẽ khiến mọi thứ liên quan sụp đổ. Tuy nhiên, họ không nắm rõ vị trí chính xác của chúng.
Định giá carbon quan trọng ra sao để đạt mục tiêu giảm phát thải toàn cầu? |
Có bao nhiêu dây bẫy?
Đến nay, các nhà khoa học đếm được khoảng 15 điểm tới hạn (hay dây bẫy) chính. Một số ở khu vực, số còn lại trên phạm vi toàn cầu, nhưng chúng đều liên kết chặt chẽ với nhau.
Những điểm tới hạn yếu ớt nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và đang áp sát ngưỡng sụp đổ là các rặng san hô nhiệt đới, băng tầng Tây Nam Cực và Greenland, các sông băng từ đỉnh núi, băng trên biển Bắc Băng Dương vào mùa hè và rừng mưa nhiệt đới Amazon.
Các hệ thống kiên trì hơn bao gồm những dòng chảy phân bổ nhiệt xuyên các đại dương, luồng khí phản lực ở Bắc Cực, hệ thống gió mùa Ấn Độ, El Nino ở Thái Bình Dương, cơ chế sa mạc hóa ở Sahel (dải đất hẹp ở phía nam sa mạc Sahara).
Thành trì cuối cùng của địa cầu chính là băng tầng Đông Nam Cực, nơi đang giữ khối lượng băng khổng lồ, mà nếu tan chảy có thể làm nước biển dâng lên 56 m.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hài hước ra sao khi bàn "chuyện đại sự" với trẻ em? |
Nhà kinh tế học Gernot Wagner của Đại học New York (Mỹ) đã thử tính toán tổn thất tiềm năng trong trường hợp con người bứt phá nhiều “dây bẫy” cùng lúc.
Ông phát hiện, thiệt hại liên quan đến đồng USD đối với sức khỏe và môi trường cho mỗi tấn khí thải CO2 sẽ tăng lên ít nhất 25%. Nói cách khác, nguy cơ càng lớn thì tổn thất càng khủng khiếp.
Bình luận (0)