Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM ra sao?

04/06/2022 08:43 GMT+7

Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM là chủ để của hội thảo khoa học do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức nhằm tìm giải pháp ứng phó, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Dịch sốt xuất huyết là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu

Tại hội thảo khoa học "Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM" Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành cụm từ quen thuộc trên thế giới. Và Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do đó, cần ứng phó và hành động cụ thể với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Theo bác sĩ Nga, dịch bệnh sốt xuất huyết là 1 trong những hậu quả của biến đổi khí hậu và dịch đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM.

Mưa lớn bất thường khiến TP.HCM bị ngập sâu vào chiều tối 2.6

NHẬT THỊNH

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học khí tượng thủy và biến đổi khí hậu và PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM nêu những vấn đề cực đoan của biến đổi khí hậu trong thời gian qua, trong đó nguyên nhân phần lớn là do tác động của con người. Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo trong thời gian sắp đến, trong đó, nêu rõ biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe người dân.

Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, đó là lũ lụt, hạn hán, gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người như tử vong, mất tích, chấn thương, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động gián tiếp đến sức khỏe thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả; làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).

Nước ngập Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn tối 2.6

BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Không những thế, biến đổi khí hậu làm cho tình trạng dinh dưỡng con người bị tác động. Đó là những thay đổi của môi trường như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng... gây nên tình trạng khan hiếm nước, mặn hóa diện tích đất nông nghiệp, sâu bệnh, thất thu mùa màng, mất sinh kế, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và các bệnh đường hô hấp.

Hậu quả đối với sức khỏe là thiếu đói và cuối cùng là tình trạng suy dinh dưỡng protein năng lượng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng bệnh tật liên quan đến an toàn thực phẩm; bệnh tật liên quan đến nước; các bệnh liên quan đến chất lượng không khí; tác hại của bức xạ tia cực tím đối với sức khỏe…

Sốt sốt xuất bùng phát tại TP.HCM

NHẬT THỊNH

Tại TP.HCM, biến đổi khí hậu gây mưa lớn gây ngập, thoát nước kém, ứ đọng ảnh hưởng đến vệ sinh và gia tăng dịch bệnh. Nhiệt độ tăng, kèm hiệu ứng đảo diện tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Cơ sở hạ tầng y tế dưới điều kiện biến đổi khí hậu sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn, khó đáp ứng nhu cầu cộng đồng nếu chưa có sự chuẩn bị.

Theo TS Nguyễn Văn Hồng, năm 2021, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn TP.HCM.

Ngành y tế xây dựng kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu

Theo TS Vũ Xuân Đán, Phó trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (HCDC), TP.HCM là 1 trong 10 thành phố hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt vì 40 - 50% diện tích trong khoảng 0 - 1 m so với mực nước biển; 15 - 20% trong khoảng 1 - 2 m so với mực nước biển và một số khu vực thường xuyên bị ngập. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình của toàn TP.HCM đã tăng khoảng 0,7oC, gây gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

Biến đổi khí hậu phần lớn là do tác động của con người

DUY TÍNH

Dưới tác độc của biến đổi khí hậu, HCDC đang xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Mục tiêu cụ thể là dự báo các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe người dân để có giải pháp y tế phù hợp trong điều trị và dự phòng; Nâng cao nhận thức của xã hội về sự biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe người dân để nâng cao khả năng ứng phó; Cảnh báo sớm các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Điều này không chỉ một mình ngành y tế làm được mà còn cần có sự phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở GTCC, Sở TT-TT, các trường đại học có ngành sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.