Đến hôm qua (19.7), giá vàng thế giới xuống còn xấp xỉ 2.400 USD/ounce, xem như hạ nhiệt đáng kể so với vài ngày trước - vốn lên mức cao nhất mọi thời đại khoảng 2.480 USD/ounce. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa xu thế tăng cao của giá vàng sẽ đảo ngược.
Giọt nước tràn ly và nguyên nhân gốc rễ
Vàng trên thị trường thế giới tăng lên mức đỉnh điểm như vừa qua được cho là bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất cơ bản. Việc Fed giảm giá không chỉ nhằm hạ giá USD mà còn nhằm thể hiện lạm phát đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, đó chỉ là "giọt nước tràn ly" khiến giá vàng cao kỷ lục. Chỉ riêng xét yếu tố cung cầu thì Trung Quốc và Ấn Độ mua vàng lượng lớn trong thời gian qua trở thành tác nhân quan trọng khiến giá vàng tăng cao. Theo Reuters dẫn số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, chỉ riêng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mua đến 7,23 triệu ounce trong năm 2023. Đây là mức mua vào cao nhất của Trung Quốc trong 46 năm qua. Dù không còn mua nhiều như giai đoạn tháng 5.2024 trở về trước, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua vàng ở mức cao. Nguyên nhân quan trọng khiến Trung Quốc thu mua vàng chính là vì căng thẳng giữa nước này và Mỹ. Để phòng ngừa rủi ro, nhất là từ thực tế Nga bị phong tỏa tài sản sau khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Bắc Kinh cần giảm thiểu sự lệ thuộc vào USD.
Bên cạnh đó, tình hình chiến sự Ukraine và khu vực Trung Đông khiến bất ổn thế giới tăng cao nên xu thế "trú ẩn" vào vàng càng tăng cao. Kèm theo đó là xu thế tránh lệ thuộc vào USD cũng là lý do vàng trở thành yếu tố quan trọng trong "rổ dự trữ" của các quốc gia. Đặc biệt với khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang có xu thế tăng cường giao thương bằng tiền tệ của nhau nên giảm lệ thuộc vào USD. Điều đó cũng khiến vàng trở thành chọn lựa trong "rổ dự trữ" quốc gia.
Ngoài ra, dựa theo dữ liệu quá khứ thì giai đoạn gần diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, vàng có xu thế tăng giá.
Xu thế khó đảo ngược
Từ các yếu tố trên, hầu hết tập đoàn tài chính, ngân hàng, định chế tài chính… nhận định giá vàng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Điển hình, Tập đoàn J.P Morgan dự báo giá vàng sẽ vượt mức 2.600 USD/ounce trong thời gian tới.
Dự báo vừa nêu không hề bất ngờ bởi vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, Fed dự kiến sẽ còn cắt giảm lãi suất vì mức tăng đã khá cao trong thời gian trước nhằm đối phó lạm phát. Cụ thể, mức lãi suất cơ bản hiện nay của Fed vẫn còn xấp xỉ 5%, trong khi lãi suất này trước đại dịch Covid-19 chưa đến 1%. Vì thế, dư địa để Fed cắt giảm lãi suất vẫn còn nhiều.
Bên cạnh đó, địa chính trị còn nhiều bất ổn khi chiến sự Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điển hình lực lượng Houthi (Yemen) vừa tấn công vào tận Tel Aviv (Israel). Thậm chí, nhiều lo ngại đặt ra rằng xung đột ở Trung Đông sẽ còn lan rộng dù ít nhiều xuất hiện những nỗ lực hạ nhiệt. Chiến sự Ukraine dự báo còn nhiều phức tạp khi NATO tăng cường "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công vào các mục tiêu trên đất Nga. Không chỉ vậy, các điểm nóng còn có thể lan rộng, điển hình là eo biển Đài Loan. Trong bối cảnh như vậy, vàng tiếp tục duy trì vị thế "trú ẩn".
Tương tự, việc tránh lệ thuộc USD tiếp tục trở thành xu thế chung, nhất là khi ông Donald Trump ngày càng chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính sách khá rõ ràng của ông Trump là "nước Mỹ trên hết" đồng nghĩa với việc nếu ông đắc cử thì Mỹ sẽ đẩy mạnh bảo hộ kinh tế nội địa. Khi đó, xu thế giảm lệ thuộc USD càng lớn hơn. Chính vì thế, vàng nhiều khả năng tiếp tục trở thành chọn lựa quan trọng cho "rổ dự trữ" của các nước. Chính vì thế, kết hợp cùng sự tăng cường hợp tác của khối BRICS, Ấn Độ vẫn duy trì mua vàng ở mức cao.
Không những vậy, việc đẩy mạnh trừng phạt và cạnh tranh với Trung Quốc là điểm chung của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, đồng thời cuộc cạnh tranh sẽ vẫn còn tiếp diễn. Chính vì thế, Trung Quốc nhiều khả năng cũng duy trì việc mua vàng ở mức cao.
Thực tế trên khiến cho giá vàng khó thay đổi xu thế tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, nhất là khi biến động chính trị toàn cầu được dự báo vẫn còn phức tạp.
Bình luận (0)