|
Hồi sinh một vùng đất chết
Ngược TP.Tây Ninh về xã Ninh Điền trên con đường nhựa phẳng lì, chúng tôi rẽ con đường đất đỏ giữa bạt ngàn rừng cao su dẫn vào làng. Đến đầu làng, anh Lê Đức Lực, Phó trưởng ban Quản lý dự án, dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu làng vùng biên giới.
Anh Lực giới thiệu làng thanh niên lập nghiệp rộng 232 ha được chia thành 6 khu với 11 dãy nhà được xây dựng khang trang nép mình dưới tán cây xanh mát rượi. Một hệ thống đường giao thông bằng sỏi thẳng tắp chia nhỏ như bàn cờ chạy đều trong khu làng ra tận những cánh đồng lúa, hoa màu. Hiện đã có đủ 100 hộ gia đình đoàn viên thanh niên đủ tiêu chuẩn tham gia dự án (với hơn 300 nhân khẩu).
Anh Lực giải thích thêm: “Tiêu chuẩn tham gia dự án là những gia đình trẻ ưu tú, biết vươn lên trong cuộc sống nhưng khó khăn về kinh tế, không có đất sản xuất và được địa phương giới thiệu. Mỗi gia đình được giao 1.000 m2 đất ở, đất vườn; đồng thời được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng và hoàn thiện nhà ở (diện tích trung bình từ 36 - 70 m2/hộ). Mỗi hộ được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt (giếng khoan, máy bơm, bồn nước) gần 15 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ cũng được tạm giao 1,2 - 1,5 ha đất sản xuất. Hiện tổng diện tích canh tác ở làng là 150 ha.
|
Của cải từ đôi bàn tay
Đó là khẳng định của anh Nguyễn Sĩ Nam (39 tuổi), một trong những hộ thanh niên gắn bó với làng từ những ngày đầu thành lập. Anh Nam tươi cười: “Trước đây, vùng này là đất trảng khô cằn chẳng trồng tỉa được gì. Sau vài năm anh em cùng nhau cải tạo, chăm sóc nên đã thành “mỏ vàng” cả rồi. Của cải cứ từ bàn tay mà ra thôi”.
Anh Nam dẫn chúng tôi vào ngôi nhà ngói khang trang của gia đình rồi bộc bạch: “Vợ chồng tôi từ bàn tay trắng bước vào vùng đất hoang sơ này lập nghiệp, thời gian đầu chỉ dám mong có đủ miếng ăn cho các con là mừng rồi. Trước đây, hễ mưa xuống là nhà ngập tới gối vì không có hệ thống kênh rạch để thoát nước. Trồng hoa màu mà gặp mưa xuống là mất trắng. Còn bây giờ thì khác nhiều rồi, làm một năm cũng có dư dả để mua sắm được ti vi, tủ lạnh…”.
Anh Lực hồ hởi so sánh, khoảng năm 2010, khu vực này trồng lúa, mì với năng suất rất thấp. Sau khi hệ thống tưới tiêu, thoát nước, đường, điện hoàn thành thì năng suất tăng lên gấp đôi. Trong đó, các gia đình đã tổ chức trồng thành 2 vụ mùa xen canh (1 vụ lúa và 1 vụ mì). Năm 2010, vụ lúa đạt năng suất 3 tấn/ha thì đến nay mỗi vụ đạt từ 4,5 tấn/ha, thậm chí có những hộ đạt 6 tấn/ha. Năng suất củ mì ban đầu chỉ 20 - 30 tấn/ha, nay đạt trên 35 tấn/ha, có một số hộ đạt đến 43 tấn/ha.
Bên cạnh đó, hàng chục hộ gia đình đã khá giả từ những mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi trâu bò, nuôi rắn, nhím, buôn bán tạp hóa, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu… Đã 4 năm trực tiếp gắn bó với anh em ở làng, anh Lực cho biết nhiều hộ gia đình trẻ đã có cuộc sống tốt hơn, từng bước thoát nghèo và số hộ khá giả đang ngày một tăng. Đa số các hộ gia đình đã mở rộng thêm được diện tích nhà ở, mua sắm được các phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất và đời sống.
Dự án làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền được Ban Bí thư T.Ư Đoàn phê duyệt từ cuối tháng 10.2008. Tháng 11.2009, Tỉnh đoàn Tây Ninh đã tiến hành khởi công dự án. Sau 3 năm triển khai, đã có hệ thống điện, truyền thanh; hệ thống đường giao thông dài 11,5 km; hệ thống nước sinh hoạt; nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, trường mẫu giáo và nhà điều hành ban quản lý dự án. |
Giang Phương
>> Khởi công xây dựng làng thanh niên lập nghiệp
>> Xây dựng làng thanh niên lập nghiệp
>> Xây dựng mới 15 làng thanh niên lập nghiệp
>> Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp
>> Xây dựng thêm làng thanh niên lập nghiệp
>> 18 làng thanh niên lập nghiệp hiệu quả
Bình luận (0)