Năm qua, biến động của nhân dân tệ (CNY) gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu. Song các nhà phân tích cho hay thế giới không cần phải quá lo ngại về một đợt phá giá mạnh CNY từ Trung Quốc trong năm 2016.
Ảnh: AFP |
Theo trang Channel NewsAsia, biến động của nhân dân tệ (CNY) đã gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua, song các nhà phân tích gần đây cho hay trong năm 2016, phản ứng của thị trường trước diễn biến của nhân dân tệ có thể sẽ không còn quá mạnh.
Hôm 11.8.2015, thị trường toàn cầu lần đầu tiên rơi vào trạng thái lộn xộn khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ phá giá CNY gần 2%, làm dấy lên lo ngại rằng Đại lục có khả năng tham gia vào cuộc cạnh tranh phá giá nội tệ giữa lúc diễn biến kinh tế giảm sút.
Tháng 12.2015, Bắc Kinh công bố một chỉ số tỷ giá mới, qua đó giá trị nhân dân tệ sẽ bớt phụ thuộc vào USD để được định giá thông qua giỏ tiền tệ gồm 13 đồng tiền quốc tế. Quyết định này đến sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận đưa CNY vào giỏ tiền quyền rút vốn đặc biệt (SDR). PBOC cũng liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hằng ngày như một tỷ giá hướng dẫn chính thức, khiến giá trị nhân dân tệ ở mức thấp trong nhiều năm và có khả năng sẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Dù đã chứng kiến năm 2015 nhiều “sóng gió”, nhà kinh tế Vishnu Varathan, tại ngân hàng Mizuho cho hay bất kỳ lo ngại nào đặt ra về việc CNY giảm giá sẽ kích thích biến động thị trường đều sẽ là “quá sớm hoặc sai lầm”. Chuyên gia tại Singapore nói thêm rằng thị trường đã phản ứng mạnh trong năm 2015 vì họ “hiểu sai” động thái của PBOC.
“PBOC đã cố gắng làm chao đảo tâm lý tin rằng CNY sẽ luôn ổn định so với USD dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Tính đến nay, động thái của Trung Quốc củng cố ý tưởng cho rằng nhân dân tệ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và rất phù hợp với ý định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR”, ông Varathan cho biết.
Giới phân tích cũng lưu ý rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tránh các hỗn loạn từng xảy ra vào hồi đầu tháng 8 năm ngoái, chọn cách tiếp cận ổn định hơn cho việc phá giá nội tệ.
“Tôi nghi ngờ về chuyện PBOC sẽ làm điều gì đó mạnh mẽ trong năm 2016. Họ đã khá bối rối vì những phản ứng trước đợt phá giá hồi tháng 8 và tôi nghĩ rằng họ sẽ rất cẩn trọng với các động thái trong tương lai”, nhà kinh tế Tony Nash tại hãng Complete Intelligence ở Singapore nói.
Vasu Menon, Phó chủ tịch quản lý tài sản tại OCBC ở Singapore cho hay nếu giá trị CNY giảm từ tốn, tác động sẽ là tối thiểu vì thị trường có thời gian để phản ứng. “Tốc độ giảm giá nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường toàn cầu. Nếu Trung Quốc gây bất ngờ cho thị trường và phá giá nội tệ một lần nữa, với mức độ lớn hơn so với khi họ đã từng làm hồi tháng 8, thì sẽ gây sợ hãi cho các nhà đầu tư và phản ứng mạnh từ các thị trường mới nổi và tiền tệ những nước này. Đây là điều sẽ lần lượt tác động đến các thị trường khác trên toàn cầu”, ông Menon nhận định.
Dù vậy, rủi ro vẫn còn đó và yếu tố quan trọng có thể gây ảnh hưởng đến nhân dân tệ trong năm 2016 là chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo chuyên gia phân tích thị trường Angus Nicholson của hãng IG tại Úc, biến động mạnh của CNY năm qua xảy ra ở các thời điểm mà Fed được cho là sẽ tăng lãi suất lần đầu sau một thập kỷ. “Nhìn vào nhân dân tệ trong năm 2016, chúng ta còn phải quan sát dự định tăng lãi suất ở Mỹ. Các thị trường đang tin rằng có hơn 50% cơ hội cho chuyện Fed nâng lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4 và giới đầu tư nên cẩn trọng hơn ở các thời điểm trên”, Nicholson nói. CNY đã mất 6% giá trị trong năm 2015.
Nếu CNY được giảm giá trị mạnh hơn dự báo, các nhà xuất khẩu lớn khác ở châu Á có thể sẽ tiến hành các đợt phá giá nội tệ tương tự để duy trì sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu từ Đại lục. Rupiah Indonesia, ringgit Malaysia hay đô la Úc là các đồng tiền có khả năng hạ giá trị cao nhất. Song đến hiện tại, ít nhất, một cuộc chiến tranh tiền tệ chính thức dường như khó xảy ra.
Bình luận (0)