Biển Đông trước thềm Đối thoại Shangri-La

31/05/2019 13:00 GMT+7

Giới quan sát nhận định Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề được bàn luận nhiều và tạo ra cuộc “đấu khẩu” tại Đối thoại Shangri-La lần này.

Đối thoại Shangri-La, diễn đàn hợp tác an ninh quốc phòng quan trọng của khu vực, chính thức diễn ra từ ngày 31.5 - 2.6 tại Singapore. Đây là nơi quy tụ các quan chức quốc phòng cấp cao cùng giới chuyên gia khắp châu Á - Thái Bình Dương để thảo luận về một loạt vấn đề an ninh thiết yếu của khu vực, trong đó có Biển Đông.

Hâm nóng trước giờ G

Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Brooking ở Washington D.C hôm qua, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford tuyên bố Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thất hứa vì quân sự hóa Biển Đông. "Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa với Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo. Nhưng những gì chúng ta thấy hiện nay là đường băng dài hơn 3.000 m, kho chứa đạn dược và thiết bị phòng thủ tên lửa được triển khai thường xuyên. Rõ ràng Trung Quốc đã từ bỏ cam kết đó", tướng Dunford nói.
AFP dẫn lời ông tiếp tục nhấn mạnh: "Chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế, luật pháp quốc tế và việc thực thi luật pháp đang bị đe dọa ở Biển Đông cũng như những nơi khác có yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu chúng ta phớt lờ các hành động vi phạm chuẩn tắc, tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ lập ra tiêu chuẩn mới". Tướng Mỹ không kêu gọi hành động quân sự, nhưng khẳng định cần phải gây sức ép để thực thi luật pháp quốc tế và buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Trong khi hải quân Mỹ tăng cường hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, các nhà lập pháp nước này cũng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt hành động phi pháp của Bắc Kinh mà cụ thể là dự luật Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông, theo Asia Times. Dự luật được các nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đưa ra nhắm tới 25 công ty ở Trung Quốc liên quan đến quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 29.5 lại tuyên bố không muốn đối đầu với Mỹ ở Biển Đông. Ông Ngụy sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La năm nay. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm Trung Quốc mới cử quan chức quốc phòng cấp cao nhất của mình tới dự diễn đàn này.

Tâm điểm trên bàn đối thoại

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho rằng vấn đề an ninh hàng hải, tự do hàng hải, và việc quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc sẽ là chủ đề chính khi đề cập Biển Đông ở Đối thoại Shangri-La. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm phi pháp của mình mặc dù đi ngược lại với luật pháp và thông lệ quốc tế. Trong khi đó, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về Biển Đông được nêu ra. Tựu trung có thể có hai quan điểm lớn. Một là Biển Đông đã trở nên ổn định hơn trước đây, các nước cần tránh bất đồng, tăng hợp tác để tiến tới ký Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC). Đây là quan điểm được Trung Quốc và một số nước ASEAN ủng hộ. Một quan điểm khác được Mỹ và một số nước ủng hộ là không chấp nhận “hiện trạng mới” ở Biển Đông, không coi đó là điều bình thường, đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm cân bằng lại thế áp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ sẽ nêu quan điểm các cuộc tuần tra tự do hàng hải là cần thiết”.
Cũng theo Giáo sư Vuving, bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần do việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo hay quân sự hóa Biển Đông. “Sâu hơn, nó là sự cạnh tranh giữa một cường quốc muốn giữ vị thế và vai trò sắp đặt trật tự khu vực cũng như thế giới và một cường quốc muốn hất cẳng đối phương để giành vị thế và vai trò đó cho mình. Do đó, Đối thoại
Shangri-La lần này tiếp tục là một diễn đàn không chỉ để hai bên đấu khẩu mà còn để họ tìm cách tập hợp lực lượng với các nước trong khu vực. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố Chiến lược quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La lần này. Điều này cùng với sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ làm cho Shangri-La năm nay thể hiện rõ cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước”, ông đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.