Biến khó khăn thành cơ hội

19/12/2014 03:00 GMT+7

Diễn biến giá dầu thế giới đang tác động mạnh mẽ tới kinh tế trong nước. Khó khăn nhiều nhưng cơ hội cũng không thiếu. Theo các chuyên gia, nếu có những quyết sách đúng đắn và kịp thời, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội.

Diễn biến giá dầu thế giới đang tác động mạnh mẽ tới kinh tế trong nước. Khó khăn nhiều nhưng cơ hội cũng không thiếu. Theo các chuyên gia, nếu có những quyết sách đúng đắn và kịp thời, chúng ta có thể biến khó khăn thành cơ hội.

Đó không hề là lý thuyết suông mà đang diễn ra trên thực tế.
Nếu giá dầu thô sụt giảm đặt ra thách thức lớn cho ngân sách vì bị thất thu thì ngược lại chúng ta cũng có được cơ hội nhập khẩu xăng dầu rẻ hơn để giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sống của người dân. Quan trọng hơn, xuất khẩu dầu thô không có lợi, các doanh nghiệp buộc phải giảm sản lượng khai thác, nên sẽ thúc đẩy quá trình cải cách nguồn thu diễn ra nhanh hơn. Ngân sách thay vì phụ thuộc vào giá dầu một cách thiếu bền vững sẽ tìm nguồn thu thay thế ổn định hơn. Thực ra đây là vấn đề chúng ta muốn làm nhiều năm nay, nhưng chưa đủ động lực và quyết tâm để thực hiện nhưng giờ thì không còn đường lùi...
Đó là chưa kể, chúng ta cũng có thể thực hiện dự trữ dầu thô với chi phí thấp như nhiều nước đã làm.
Tương tự, nếu cuộc chiến giá dầu khiến kinh tế Nga rơi vào suy thoái, đồng rúp mất giá mạnh, người Nga chẳng còn tâm trí đâu để đi du lịch, khiến Mũi Né và các điểm du lịch “chuyên” khách Nga lao đao, thì không ít công ty trong nước cũng tranh thủ cơ hội này để mở văn phòng tại Nga. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, cho biết không có thời điểm nào mở văn phòng, tuyển nhân lực với giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất... bằng khi khủng hoảng. Tập đoàn này cũng vừa hoàn tất việc mở văn phòng tại Nga và bắt đầu triển khai hoạt động vào đầu năm tới.
Cũng như trong vấn đề hội nhập, việc ký kết các hiệp định thương mại đa phương, song phương luôn được kỳ vọng mở ra những thị trường tiềm năng với các đối tác giàu có. Nhưng hàng rào thuế quan vừa được giảm xuống, hàng rào phi thuế quan đã được họ dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước. Trong khi ở chiều ngược lại, chúng ta hầu như bỏ ngỏ cho hàng ngoại tràn vào chèn lấp hàng nội. Ở nhiều lĩnh vực, hàng Việt thua ngay trên sân nhà. Thế là, cái cơ hội mà chúng ta kỳ vọng đã trở thành thách thức.
Tại thời điểm này, nhiều ý kiến đang kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng được ký kết vào đầu năm 2015 như một “cứu giúp” cho nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể quên rằng, cơ hội của ta lớn thế nào ở thị trường xuất khẩu thì thách thức tại thị trường nội địa cũng tỷ lệ thuận. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mọi mặt thì những ngành hàng thế mạnh của VN được dự báo sẽ dễ bị tổn thương. Tương tự như việc ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Với nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật, quản trị có hạn, chúng ta rất cần nguồn vốn ngoại để phát triển kinh tế nên ưu đãi là cần thiết. Nhưng chính sách ưu đãi áp dụng kéo dài nhiều năm mà không thanh lọc cho phù hợp với định hướng phát triển cũng như sự thay đổi của nền kinh tế đã khiến doanh nghiệp nội bị thua thiệt khi cạnh tranh. Biết đâu sau mỗi dự án FDI được cấp phép lại chẳng có một vài doanh nghiệp vừa và nhỏ VN phải từ bỏ thị trường?
Nói vậy để thấy, vấn đề cuối cùng vẫn tùy thuộc vào việc chúng ta chọn thách thức hay chọn cơ hội để từ đó có những quyết sách để thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.