Kịch bản phim được xem là yếu tố quyết định để “gột nên hồ”, tuy nhiên theo nhìn nhận của nhiều nhà sản xuất, hiện nay đội ngũ biên kịch ở ta dù không thiếu nhưng để có những kịch bản hay cho điện ảnh lẫn truyền hình thì không phải dễ.
Buổi tọa đàm với 2 nhà biên kịch trẻ Hoàng Anh (biên kịch phim Tấm Cám – chuyện chưa kể, biên kịch kiêm đạo diễn Về quê ăn tết, biên kịch phim truyền hình Cô Thắm về làng) và Khánh Hoàng (biên kịch Em chưa 18) vào cuối tuần qua tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), vì thế, thu hút rất đông người trẻ đến tham dự.
|
Người viết phải kiên nhẫn một cách tuyệt đối
Theo biên kịch Hoàng Anh – người bắt đầu công việc viết kịch bản từ việc viết lại câu chuyện trong giấc mơ của mình, bất cứ ai yêu thích viết lách đừng ngần ngại viết ra những câu chuyện mình muốn hay tâm đắc. Cô nói vui rằng: “Ai hỏi Hoàng Anh làm nghề gì, Hoàng Anh thường trả lời là nghề…dựng chuyện. Thật ra là kể chuyện! Khi xác định đam mê, các bạn phải thật thích kể chuyện và khát khao được kể câu chuyện đó. Kế tiếp, các bạn bạn phải chú ý đến tính sáng tạo, phải tạo ra sự khác biệt theo cách kể của mình, vì chắc chắn sẽ có nhiều người cùng kể câu chuyện hay đề tài của các bạn. Và thêm nữa, các bạn cần phải kiên nhẫn, kiên nhẫn một cách tuyệt đối. Bởi trong quá trình từ khi bắt đầu viết, thu thập chất liệu đến lúc hoàn thành kịch bản và cả lúc phim đóng máy thì biên kịch luôn phải tiếp nhận ý kiến và chỉnh sửa liên tục", Hoàng Anh chia sẻ.
Một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh là thành quả của cả ê kíp, chứ không còn riêng của cá nhân nào. Vì thế, theo biên kịch Hoàng Anh, sau khi được nhà sản xuất đồng ý, giai đoạn "đau đầu" nhất với tác giả kịch bản là lắng nghe ý kiến, vượt qua cảm xúc của bản thân, để đạt được cái đích cuối cùng là bộ phim được ra đời.
Chia sẻ quan điểm này, biên kịch Khánh Hoàng cho rằng vì từng có kinh nghiệm trong ngành quảng cáo, nên anh tâm đắc 2 điều: ý thức làm việc nhóm (teamwork) và ý thức về thời hạn (deadline). “Khi làm việc theo nhóm, bạn đòi hỏi phải có tinh thần lắng nghe. Vì thế có những cuộc họp ê kíp chúng tôi thậm chí đập bàn đập ghế, nhưng sau đó anh em lại cùng nhau uống bia là bình thường. Người làm sáng tạo thiên về cảm xúc, nhưng khi dự án đã lên kế hoạch sản xuất thì buộc phải chú ý kế hoạch, deadline. Tác giả văn học có thể miên man bất tận với tác phẩm của mình, nhưng tác giả kịch bản nếu không chú ý deadline sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thành phần khác trong đoàn phim”, biên kịch Em chưa 18 cho biết.
Anh cũng chia sẻ “bí kíp” nếu ở giai đoạn cuối, sản phẩm của mình “lạ lùng” quá, trong khi hợp đồng đã ký rồi, thỉ phải xử lý ra sao. “Phải nhìn nhận lại điều gì làm cho mình muốn kể chuyện, cảm hứng với nhân vật ngoài đời, yêu quý diễn viên hay bài nhạc trong phim…Phải tìm nguồn cảm hứng đầu tiên để thắp lửa lại…”, Hoàng nói.
Khánh Hoàng nhớ lại giai đoạn tham gia Em chưa 18 (kịch bản của bộ ba: Charlie Nguyễn – Lê Thanh Sơn – Khánh Hoàng), rằng nhiều lúc anh thấy “quá đuối” với kịch bản phim này, vì viết đi viết lại nhiều lần vẫn bị đạo diễn Charlie Nguyễn bảo “cảm thấy chưa ổn”. “Tôi tìm đến đạo diễn Lê Thanh Sơn thở dài rằng sao mệt mỏi quá. Anh Sơn lúc đó bảo tạm thời ngưng nghĩ về kịch bản, kéo tôi ra khỏi căng thẳng bằng cách hai anh em đi uống bia nghe nhạc...”, Hoàng kể. Vì thế với Khánh Hoàng, biên kịch là nghề cần có sự chia sẻ, gắn kết và ý thức deadline.
|
Con đường biên kịch rất rộng mở cho người viết
Những chia sẻ rất thực tế từ những người trẻ góp phần làm nên thành công về doanh thu của các phim gần đây, vì thế, tạo sự hưng phấn cho người tham dự - hầu hết là sinh viên và người trẻ muốn thử sức với công việc viết lách và biên kịch.
Rất nhiều câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra, và được giải đáp tận tình bởi tất cà đều là mối bận tâm và đều là những bài học "xương máu" của chính các diễn giả. Làm thế nào để có lời thoại hay và thực tế? Làm sao để thuyết phục được nhà sản xuất trong buổi gặp đầu tiên? Đối phó thế nào với nạn ăn cắp ý tưởng kịch bản? Câu chuyện nào sẽ dễ triển khai hơn, giữa kịch bản tự viết và kịch bản được đặt hàng? Với phim làm lại, việc sáng tạo của người biên kịch đến đâu? Và biên kịch có sống được bằng nghề?...
Biên kịch Hoàng Anh cho biết, kịch bản Cô Thắm về làng (bô phim truyền hình được công chúng quan tâm và kéo dài 3 mùa tết qua) từng bị từ chối nhiều lần được khi mang đi “chào hàng” các đơn vị sản xuất. Và việc thuyết phục nhà sản xuất, theo Hoàng Anh, đó là công đoạn khó khăn nhất. “Có lẽ họ nghe đề tài về cái tết truyền thống, chuyện về quê ăn tết có vẻ bình thường và cũ quá”, Hoàng Anh nói. Chính vì thế, “cùng câu chuyện đó, đề tài đó, nhưng quan trọng là cách bạn kể thế nào để gây ấn tượng đầu tiên với nhà đầu tư, để có những buổi gặp gỡ kế tiếp”. Đó là kinh nghiệm mà nữ biên kịch trẻ này tự tích lũy sau những lần bị "đánh trượt".
|
Biên kịch Khánh Hoàng cũng nhìn nhận, cũng là đề tài học đường, nhưng câu chuyện của Em chưa 18 mở hơn, thoát ra khỏi cánh cổng của trường học. Không chỉ vậy, cùng bối cảnh là trường trung học, nhưng ê kíp đã chọn trường quốc tế, và thay vì nữ sinh với áo dài trắng thì trang phục của các nhân vật trong ngôi trường của Em chưa 18 phong cách hơn, do đó, câu chuyện cũng được khai thác sinh động hơn, gần gũi với đời sống của giới trẻ hiện nay hơn.
Vì thế, cả anh và Hoàng Anh đều cho rằng, con đường biên kịch luôn rộng mở cho người viết, cho bất kỳ ai muốn dấn thân.Tuy nhiên, các tác giả luôn nhấn mạnh rằng, nghề biên kịch là sáng tạo nên tác phẩm, nhưng sáng tạo kịch bản khác với việc nhà văn viết truyện, vì phim chỉ có 90 phút, và người viết kịch bản phải làm sao để các bộ phận khác nhau trong ê kíp khi cầm kịch bản của mình sẽ hình dung được bộ phim này có khả thi sản xuất không (với nhà đầu tư), sẽ diễn xuất thế nào (với diễn viên), bối cảnh, thiết kế sẽ được thực hiện ra sao (với đội ngũ thiết kế, bối cảnh)…
Bình luận (0)