Bà Hoài (diễn viên Nguyệt Hằng thủ vai) là người đàn bà độc đoán, luôn muốn sắp đặt mọi thứ theo ý mình. Nhiều khán giả cho rằng việc chồng bà - ông Tín (NSND Trọng Trinh thủ vai) có tình nhân một phần do tính cách độc đoán, ích kỷ của bà. Trong khi đó, không ít người lại bênh vực bà Hoài và cho rằng những gì bà làm đều xuất phát tình yêu dành cho chồng và các con, chỉ có điều tình yêu đó được thể hiện không đúng cách.
Nhân vật Trâm (diễn viên Trúc Mai thủ vai) - nhân tình của ông Tín nhận được sự thương hại của một bộ phận khán giả, nhưng số khác thì chê trách và lên án hành động cố tình chen vào gia đình người khác của cô.
Nhà biên kịch Huyền Lê - biên kịch của phim Hãy nói lời yêu, chia sẻ với Thanh Niên về những nhân vật và thông điệp của bộ phim.
|
Khán giả đang có những cảm xúc khác nhau với nhân vật bà Hoài. Không ít người cho rằng, nhân vật này bị làm quá so với thực tế. Chị có đồng ý với nhận định đó?
- Biên kịch Huyền Lê: Có nhiều bà mẹ xuất phát từ tình yêu thương với con nhưng không yêu con đúng cách. Họ luôn nghĩ là mình đúng, bởi mình đã nhiều tuổi, đã trải đời nên có nhiều kinh nghiệm, trong khi các con còn non nớt. Những bà mẹ như thế trên thực tế có rất nhiều.
Khán giả nói nhân vật Hoài bị đẩy quá lên nhưng thực ra khi xem phim mọi người sẽ thấy bà Hoài có những diễn biến tâm lý bị đẩy đến mức như vậy. Bình thường, bà Hoài đã là người độc đoán, ghê gớm, sĩ diện và ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, nên đến khi bị đẩy vào trạng thái mà tất cả chệch với đường ray suy nghĩ của bà, bà thấy mình thất bại, cảm thấy mọi thứ trở nên bi kịch và trở thành người không bình thường về mặt tâm lý.
|
Khi mà thất bại mỗi lúc nhiều hơn thì bản thân người mẹ đáng lẽ ra phải tĩnh lại để nhìn nhận xem mình đã sai ở đâu, nhưng lại tiếp tục đẩy tính độc đoán của mình lên khiến mình trở nên điên cuồng. Về mặt tâm lý, bà có những hành động như vậy như cách để trả đũa, để chứng minh là mình đúng, mình không bao giờ sai.
Chị muốn truyền tải điều gì khi xây dựng hình ảnh nhân vật như vậy?
Với nhân vật người mẹ, tôi muốn khán giả cũng là những bà mẹ khi xem sẽ nhìn nhận lại xem bản thân mình có một phần trong đấy không. Nếu có một phần trong đấy thì đừng để mọi việc đẩy đi quá xa, giống như bà Hoài. Đây cũng là lời cảnh tỉnh chung cho những người phụ huynh nhìn nhận lại bản thân mình.
Thực tế, đã có nhiều người phản hồi với tôi là họ thấy một phần bản thân mình trong bà Hoài, bởi họ cũng đặt nặng chuyện thành tích của con, kỳ vọng vào con rất nhiều. Có thể họ không đến mức thái quá như bà Hoài nhưng đôi khi họ cũng vô tình biến mình thành bà mẹ như thế.
Tôi mong khi xem phim những bậc làm cha làm mẹ biết tự giật mình để thấy yêu con nhưng như thế nào là đúng, như thế nào là sai.
|
Vậy còn nhân vật “tiểu tam”, chị xây dựng một nhân vật sát với đời sống?
Bây giờ, những nhân vật "tiểu tam" xuất hiện rất nhiều trên màn ảnh. Mỗi biên kịch sẽ khai thác dạng nhân vật này ở những mặt khác nhau. Bản thân tôi ngay từ đầu khi xây dựng các nhân vật trong phim không có người đúng hết, không có người sai hết, không có người đáng thương hết, không có người đáng giận hết. Tóm lại là không có ai hoàn hảo, hay xấu xa hết cả, mà mỗi người có mặt này, mặt kia. Nhưng trên hết, họ có nhìn nhận ra thế nào là đúng, thế nào là sai để hướng tới cuộc sống hạnh phúc hay không.
Nhân vật “tiểu tam” là người có thể thấu hiểu ông Tín, nhưng mà ngay từ lúc bắt đầu chuyện tình cảm với ông là cô đã sai rồi. Dù biết là mình sai nhưng cô này vẫn cố chấp rằng mình không sai. Nhân vật “tiểu tam” được xây dựng tính cách ngọt ngào, thấu hiểu ông Tín đối lập với người vợ độc đoán, không để ý đến cảm xúc của ai và chỉ làm theo ý mình. Cách xây dựng như vậy để cho thấy là tại sao người vợ khiến cuộc sống gia đình trở nên như thế, dù việc ngoại tình là không đúng.
|
Nhưng như vậy có phải là đề cao “tiểu tam”?
Có nhiều người đã bình luận, phản hồi như vậy. Nhưng những gì phim muốn truyền tải không phải là đề cao việc đó, mà chỉ muốn mọi người nhìn nhận thực tế, nhìn lại bản thân, và những lựa chọn sai lầm đều phải trả giá hết.
Nhân vật “tiểu tam” cũng phải trả giá cho sai lầm của mình. Phim sẽ dần dẫn dắt người xem để rồi hiểu vì sao lại thế.
Nhiều khán giả xem phim thương cho nhân vật bà Hoài. Có vẻ nhà biên kịch cũng thương cho nhân vật trước sự lấn át của tiểu tam?
Tôi cũng là phụ nữ và cũng là một người mẹ, nên hiểu cảm giác của người mẹ luôn kỳ vọng và vun vén cho gia đình. Chính vì bà Hoài luôn đặt áp lực sự thành công của người phụ nữ là phải có một gia đình toàn vẹn cho nên bản thân bà khi bị thất bại hết lần này đến lần khác mới bị tổn thương và bị đẩy tâm lý đến mức khủng khiếp như thế.
|
Bộ phim có tên là Hãy nói lời yêu, bởi trong phim có những những nhân vật yêu thương sai cách. Con cái rất yêu thương bố mẹ nhưng không thể hiện được cách yêu với bố mẹ. Bố mẹ cũng rất yêu con cái nhưng lại yêu theo cách của mình. Hai bên không có sự chia sẻ và đồng cảm, không để ý đến cảm xúc của nhau cho nên mới dẫn đến những bi kịch trong gia đình như vậy. Bộ phim mong muốn mọi người biết cách yêu và hãy nói lời yêu một cách thẳng thắn, biết chia sẻ và cảm thông với nhau.
Thực hiện kịch bản về đề tài tâm lý, hôn nhân, gia đình, chị có khó khăn hay thuận lợi gì?
Ngay từ đầu, bộ phim được xác định thuộc thể loại tâm lý xã hội không phải là giải trí. Khi viết kịch bản phim, tôi có một số áp lực. Bởi thực ra là có nhiều cái khó cho mình để hiểu hết được những thứ bên trong một gia đình bất ổn. Tôi đã phải nói chuyện với một số người có hoàn cảnh trải qua gần như nhân vật trong phim, trong đó có cả những người đàn ông ly dị vợ, để tìm hiểu kỹ về mặt tâm lý.
Những nhân vật bề ngoài đẹp đẽ, hoàn chỉnh nhưng bên trong là sự bất ổn làm không khí ngột ngạt, khiến bản thân mình khi viết có lúc cũng cảm giác không thở được. Nhưng những cái khó cũng là thử thách đó sẽ khiến người viết kịch bản như tôi lại thấy thích thú!
Bình luận (0)