Dọc bờ biển miền Trung, ốc nón được đánh bắt quanh năm (trừ thời gian biển động) nhưng rộ nhất là dịp đầu hè. Môi trường sống của ốc nón là bám vào các gành đá. Theo bà con ngư dân miệt biển, để bắt được loại sinh vật biển này không hề đơn giản, phải tính con nước, khi thủy triều rút xuống thấp, chỉ cần dong thuyền dạo mé biển nơi có những bãi đá nhấp nhô là đã có thể bắt được ốc nón. Tuy nhiên, muốn có ốc to phải lặn xuống biển ở mực nước sâu, đeo kính lặn, bình dưỡng khí, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá.
tin liên quan
Gỏi cuốn bà Phương có gì mà người Sài Gòn ăn hơn 1.000 cuốn/ngàyMón trộn và gỏi ốc cũng được ưa thích ở vị tươi ngon. Ốc được luộc qua nước sôi, sau đó lể thịt ốc và thái nhỏ vừa miệng ăn. Nguyên liệu trộn gỏi chung với thịt ốc nón là thịt ba chỉ, dưa leo cắt mỏng, rau răm và đậu phộng giã nhuyễn, hành phi. Chất xúc tác tạo nên vị riêng trong món gỏi ốc nón là nước cốt chanh pha đường và một ít nước mắm cá cơm.
Ốc nón nướng là món không thể không nhắc đến vì hương thơm thoang thoảng khích thích “tâm hồn ăn uống” của thực khách. Ốc mới bắt về, để nguyên con đem chà rửa cho sạch rồi sắp lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Ốc nón cần nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Lửa nướng vừa phải, hơi nóng làm thịt ốc chín cả trong lẫn ngoài, tỏa mùi thơm ngòn ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá, thịt săn quắt, bám lại rất khó gỡ ra. Khi nước ốc nhỏ từng giọt xèo xèo, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi là lúc ốc vừa chín tới. Ốc nướng xong, người ăn không cần đập từng con mà chỉ cần dùng tăm nhỏ khều nhẹ thân ốc ra ngoài.
Vị ngon ngọt, sừn sựt của ốc nướng càng thú hơn khi có bạn hữu quay quanh, nhâm nhi vài ba con, nhấp chút cay cay hơi men để bắt đầu tranh nhau nói, tranh nhau hát, tranh nhau đọc thơ và kể những câu chuyện về những lần đi bắt ốc nón, những món ngon khó cưỡng nơi biển khơi bao la...
Bình luận (0)