Biến nông sản giá 'bèo' thành chocolate Việt

12/08/2017 07:56 GMT+7

Theo ông Durassamy thì quy trình sản xuất chocolate phải qua rất nhiều giai đoạn công phu, tỉ mỉ, từ phơi khô, tách hạt, lên men... đến rang, nghiền bột, tách thành bơ và bột ca cao, xay hỗn hợp...

Khi thấy nhiều nông dân than phiền trái ca cao trồng ra thị trường tiêu thụ không ổn định, giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ, thậm chí phải chặt bỏ, ông Bui Durassamy đã nghiên cứu để sản xuất chocolate nhằm tiêu thụ ca cao của nông hộ tại địa phương.
Ông Bui Durassamy hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV chocolate Kim My ở ấp Tây 2, xã Long Định, H.Châu Thành, Tiền Giang. Là Việt kiều Canada, ông Durassamy sinh ra ở Sài Gòn với hai dòng máu: cha người Ấn Độ, mẹ người Việt. Năm 1976, ông theo gia đình đi định cư ở nước ngoài. Sau 40 năm sống ở xứ người, ông bán hãng xưởng ở Canada và quyết định hồi hương với ý tưởng về quê sinh sống. Cách đây 2 năm, ông mua thửa đất 6.000 m2 tại ấp Tây 2, xã Long Định (Tiền Giang) và cất nhà để ở.
Khởi nghiệp từ bức xúc của nông dân
Về cơ duyên sản xuất chocolate, ông Durassamy kể một hôm tình cờ xem ti vi thấy giới thiệu về 2 người nước ngoài làm ra được loại “chocolate ngon nhất thế giới từ ca cao VN” khiến ông bức xúc, vì cho rằng tại sao chỉ có người nước ngoài mới làm được chocolate? “Ngay sau đó tôi khởi đầu bằng việc đi khảo sát vùng trồng cây ca cao ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang. Nhưng tới đâu tôi cũng nghe người nông dân than phiền vì trái ca cao bây giờ xuống giá, bán không được, có lúc phải chặt bỏ. Bắt đầu từ đó tôi nuôi mộng lập xưởng sản xuất chocolate”, ông Durassamy nói.

tin liên quan

Bỏ quên mỏ 'vàng' nâu
Có chất lượng và giá trị cao; có thương hiệu, sản xuất theo chuỗi giá trị với hệ thống tiêu chuẩn riêng... hạt ca cao VN là mặt hàng nông sản duy nhất có đầy đủ các yếu tố để thành “vàng”. Tuy nhiên, trong khi người nước ngoài đang triệt để đầu tư, khai thác thì người Việt lại hầu như chưa biết đến mỏ “vàng nâu” này.
Điều khá ngạc nhiên là trong thời gian sống ở nước ngoài, ngành nghề chính của ông là cơ khí chế tạo máy chứ không liên quan gì đến việc sản xuất chocolate. Vậy mà khi bắt đầu tại VN, Durassamy cho biết chính ông đã tự tay vẽ thiết kế khu nhà xưởng và vẽ mẫu từng thiết bị sản xuất chocolate, với nhiều công đoạn, để thuê thợ chế tạo ngay trong nước. Bao bì sản phẩm cũng do ông tự vẽ kiểu. Đến cuối năm 2016 thì toàn bộ nhà xưởng và thiết bị sản xuất được lắp đặt hoàn chỉnh.
Mua ca cao với giá cao hơn thị trường
Đầu năm 2017, Durassamy chính thức ra mắt cơ sở sản xuất chocolate bằng việc mời đại diện chính quyền và bà con địa phương tới tham quan dây chuyền sản xuất và ăn thử sản phẩm chocolate đầu tiên do người Việt làm ra tại Tiền Giang. Sau đó, ông đưa sản phẩm tham gia hội chợ quốc tế tại Cần Thơ và Hà Nội. Và ngày 4.7.2017, 10 sản phẩm của Kimmy’s Chocolate của công ty đã được Sở KH-CN Tiền Giang cấp chứng nhận độc quyền.
Theo ông Durassamy thì quy trình sản xuất chocolate phải qua rất nhiều giai đoạn công phu, tỉ mỉ, từ phơi khô, tách hạt, lên men... đến rang, nghiền bột, tách thành bơ và bột ca cao, xay hỗn hợp... “Tính từ lúc mua trái ca cao tươi của nông dân đến khi sản xuất thành những thanh kẹo chocolate phải mất thời gian chừng một tháng”, ông Durassamy ước tính.
Tuy còn quá mới nhưng theo ông Durassamy thì bước đầu sản phẩm của công ty đã được thị trường đón nhận và có phản hồi tốt. “Ngoài việc tiêu thụ trong nước, Kimmy’s Chocolate cũng đã xuất sang Canada và Pháp một số đơn hàng nhỏ để thăm dò thị trường. Hiện công ty đang sản xuất 12 mặt hàng từ trái ca cao. Riêng chocolate có 9 dòng sản phẩm. Với công suất hiện tại, chúng tôi hy vọng mỗi tháng có thể tiêu thụ được khoảng 30 tấn hạt ca cao cho nông dân với giá mua luôn cao hơn giá thị trường”, ông Durassamy cho biết.
Ông Durassamy với sản phẩm chocolate làm từ ca cao ở Tiền Giang
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ Tiền Giang, cho biết mỗi lần đi công tác nước ngoài ông đều mua sản phẩm Kimmy’s Chocolate mang theo để làm quà tặng cho bạn bè quốc tế, đồng thời cũng “tiếp thị giùm” cho thương hiệu chocolate được sản xuất tại Tiền Giang, vì đây là sản phẩm đáng được khuyến khích, hỗ trợ. “Theo tôi, từ trái ca cao mà ông Durassamy đã làm ra được những sản phẩm chocolate độc đáo, với mẫu mã đẹp, chuyên nghiệp như vậy là một nỗ lực rất lớn, rất đáng được hoan nghênh. Bởi vì không những ông đã giúp cho nông dân giải quyết được đầu ra của trái ca cao, mà còn tạo ra sản phẩm mới và thương hiệu cho Tiền Giang, thậm chí có thể nói là thương hiệu VN”, ông Phi nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.