Tôi cũng từng cùng tổ công tác của địa phương đi thu dung người lang thang xin ăn và thấy rằng hoạt động này còn mang tính chất "bắt cóc bỏ đĩa", thậm chí gây mất sức cho đội ngũ cán bộ, bởi theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thì một năm qua, kiểm tra hơn 55.000 lượt thì mới lập được danh sách 2.300 trường hợp lang thang, xin ăn để đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội, tức kiểm tra 24 trường hợp thì mới có 1 diện đúng cần thu dung. Chưa kể, họ cũng sớm được bảo lãnh khỏi các cơ sở bảo trợ xã hội và dễ "tái xin ăn".
Nói điều này để thấy rằng giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn tại TP.HCM là chuyện nan giải, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân căn cơ là khi nào còn nghèo đói, khó khăn thì xã hội vẫn còn có người xin ăn. Chưa kể TP.HCM là một đô thị đông dân, tỷ lệ người nhập cư lớn, chênh lệch giàu nghèo còn cao và các thiết chế, hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện. Do đó, có một giải pháp được khuyến cáo nhiều nhất là "cắt nguồn cung", tức kêu gọi người dân "không trực tiếp cho tiền người lang thang xin ăn", bởi nó dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng và triệt tiêu động lực tự lập, vươn lên của mỗi người, chưa kể là "tiếp tay" cho những kẻ chăn dắt.
Khuyến cáo này cũng xuất phát từ một thực tế rằng, trong số các trường hợp lang thang xin ăn mà cơ quan chức năng ghi nhận, ngoại trừ trẻ em, người già, người khuyết tật, thì có tới 45% là người nằm trong độ tuổi lao động (16 - 60 tuổi), tức có gần phân nửa người xin ăn hoàn toàn có khả năng tìm việc để cải thiện đời sống. Dẫu vậy, về lâu dài cần biện pháp bền vững hơn, chính là đầu tư cho việc phát triển một mạng lưới dịch vụ xã hội thiết yếu (từ thuốc men, thực phẩm cho tới nhà ở, việc làm, giáo dục) cho người khó khăn và xử lý nghiêm những kẻ chăn dắt người yếu thế để trục lợi.
Bình luận (0)