Vợ chồng tôi mâu thuẫn, chồng tôi đã làm đơn xin ly hôn. Sau khi nộp đơn anh ấy đã chủ động sống ly thân, dọn ra ngoài ở, bỏ mặc mẹ con tôi.
Trong các lần hòa giải tại tòa, anh ấy nhất định đòi ly hôn, còn tôi vẫn muốn vợ chồng đoàn tụ. Tại các phiên hòa giải, tôi nhiều lần được nghe vị thẩm phán nói rằng muốn đoàn tụ hàn gắn thì tôi phải có biện pháp chứ không thể nói suông! Tôi muốn biết luật có quy định về vấn đề này không? Và biện pháp hàn gắn theo tòa yêu cầu là những biện pháp nào? (maimai...@...)
Luật Hôn nhân và gia đình quy định khi ly hôn tòa án phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ hàn gắn, đây là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, điều quan trọng để có thể hòa giải thành là do các bên đương sự chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào tòa án.
Tòa án có thể tổ chức nhiều lần hòa giải, tạo điều kiện về thời gian để các bên có thể hồi tâm suy nghĩ lại. Bằng kinh nghiệm, kỹ năng thẩm phán phân tích các yếu tố pháp lý, tình cảm gia đình, quyền lợi của con trẻ… để động viên khuyên nhủ các bên. Tuy nhiên, nếu một hoặc cả hai bên nhất quyết ly hôn, thì dù tòa án có nỗ lực bao nhiêu đi chăng nữa cũng khó hòa giải thành.
Kinh nghiệm cho thấy đối với những trường hợp đơn phương ly hôn, nếu bên không đồng ý ly hôn tích cực chủ động, có nhiều biện pháp hàn gắn tình cảm vợ chồng, nhưng người đứng đơn ly hôn vẫn không chịu hàn gắn, thì nhiều khả năng khi đưa ra xét xử tòa án sẽ không chấp nhận (tức bác đơn ly hôn), nhằm tạo điều kiện cho các bên có điều kiện để có thể hàn gắn đoàn tụ.
Trường hợp nếu bên không đồng ý ly hôn chỉ nói suông là còn tình cảm, không muốn, không đồng ý ly hôn…, nhưng cũng không có biện pháp nào để có thể cứu vãn hạnh phúc gia đình, và nếu có căn cứ để ly hôn, thì tòa án cũng có thể xét xử cho các bên ly hôn.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Bình luận (0)