Lâu nay, việc đưa thuốc với liều đủ, hiệu quả đến đúng nơi mọc khối u ác tính mà không làm tổn hại các tế bào khỏe mạnh khác là một trong những thách thức chính khi nghiên cứu phương thức điều trị ung thư. Cách tiếp cận bằng cách bọc thuốc trong các viên cầu mạch máu kích thước nano, gọi là liposome, giúp “viên thuốc” dễ hòa tan, đồng thời bảo vệ cơ thể trước các hóa chất độc hại khi chúng di chuyển khắp cơ thể. Không may là vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm khả năng thuốc bị loãng dần trên đường di chuyển, cũng như làm sao đưa thuốc đến đúng tế bào ung thư.
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hợp nhất khoa học nano và Đại học Công nghệ Chemnitz ở Đức đã thử nghiệm một số biện pháp có sẵn lâu nay khi cần đưa thuốc đi qua các môi trường khó khăn và khắc nghiệt như âm đạo, cổ tử cung, dạ con và ống dẫn trứng để điều trị các căn bệnh như ung thư phụ khoa, viêm màng trong dạ con và nhiễm trùng xương chậu. Đầu tiên, họ sử dụng những chủng vi khuẩn hoàn toàn phù hợp với việc di chuyển bên trong cơ thể, nhưng vi khuẩn luôn đối mặt với thách thức khó vượt qua, chẳng hạn như sự tấn công của các tế bào miễn dịch. Sau đó, nhóm chuyên gia nghĩ đến khả năng nhờ cậy tinh trùng, loại tế bào được trời phú cho năng lực luồn lách bên trong hệ thống sinh sản của nữ giới. Chúng không chỉ phù hợp với hoạt động di chuyển bên trong môi trường như vậy, mà màng của tinh trùng còn cho phép bảo vệ số thuốc mang theo, tránh nguy cơ rơi rớt trong quá trình dịch chuyển, hoặc bị hệ miễn dịch xử lý, hoặc bị các enzyme của cơ thể đe dọa phân hủy.
tin liên quan
5 loại ung thư tấn công phụ nữ nhiều nhấtTheo tổng kết của các chuyên gia y tế trên trang Prevention, phụ nữ có nguy cơ dễ bị 5 loại ung thư sau tấn công.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng trên bằng cách nhúng tế bào tinh trùng động vật vào hỗn hợp hóa trị gọi là doxorubicin, thường dùng để điều trị ung thư phụ khoa. Để dẫn dắt tinh trùng đến đúng vị trí, nhóm chuyên gia áp dụng biện pháp in 3D để tạo nên một dạng “áo giáp” phủ một lớp mỏng chất sắt cho tinh trùng. Thế là dưới tác dụng của từ trường, tinh trùng được dẫn dắt đến mục tiêu. Khi đến nơi, “áo” được thiết kế để tự nhiên bung ra khi tinh trùng lao vào tế bào. Trải qua quá trình quan sát, đội ngũ khoa học gia phát hiện dù “áo” sẽ làm chậm gần 1/2 tốc độ bình thường, tinh trùng vẫn xoay xở theo mệnh lệnh điều khiển để đến nơi và đưa thuốc vào bên trong tế bào ung thư, ít nhất là trên đĩa thí nghiệm.
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân tước đi 266.000 mạng sống của phụ nữ trên toàn thế giới vào năm 2012, chiếm 7,5% trong tổng số trường hợp thiệt mạng vì ung thư ở nữ giới. Do vậy, nhóm chuyên gia Đức hy vọng sẽ sớm vượt qua thách thức và hoàn thiện liệu pháp mới, cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị ung thư trong tương lai.
Bình luận (0)