Đây là nội dung của dự án “Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn” (OPTOCE) vừa được ra mắt vào ngày 4.10 tại TP.HCM. Dự án do chính phủ Na Uy tài trợ, nhằm thúc đẩy hình thức thu gom rác thải, đặc biệt là nhựa không thể tái chế, để dùng làm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng.
Phát biểu trong buổi ra mắt, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Løchen, chia sẻ hơn ai hết, những quốc gia ven biển như Na Uy và Việt Nam hiểu rõ giá trị mà đại dương mang đến cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đại dương đang ngày càng ô nhiễm, rác thải nhựa trên biển đã trở thành một vấn đề có tính toàn cầu.
|
Giám đốc Chương trình OPTOCE, tiến sĩ Kåre Helge Karstensen, cho biết dự án được thực hiện tại 5 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đây là những quốc gia có gần 1 tỉ dân sống ven sông hồ biển và thải ra một lượng rác chưa qua xử lý lên đến 64 triệu tấn/năm, tức 176 ngàn tấn/ngày.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép và ngành điện đang rất phát triển tại đây và tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Dự án dự kiến sẽ thay thế lượng than các nước đang sử dụng bằng rác nhựa không thể tái chế, góp phần giảm thiểu mối đe dọa của nhựa đối với đại dương và giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng theo tiến sĩ Karstensen, nhờ phương pháp đồng xử lý không làm phát sinh các chất tồn dư, phát thải khí nhà kính trong quy trình này cũng sẽ giảm đáng kể so với hình thức xử lý truyền thống như chôn lấp và đốt rác.
Dự án OPTOCE được đánh giá có ý nghĩa then chốt trong việc xử lý những nguồn xả thải rác nhựa lớn nhất ra đại dương. Dự kiến, văn kiện dự án sẽ được trình lên chính phủ Na Uy trong tháng 10.2019 và triển khai giai đoạn thí điểm vào cuối năm 2019.
Bình luận (0)