Biến rác thải hữu cơ thành... vàng

08/07/2018 11:06 GMT+7

Nhận thấy rác thải hữu cơ là nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí, nhóm sinh viên ĐH Thái Nguyên đã tìm ra phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để biến chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón giàu chất dinh dưỡng.


Nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên, là những sinh viên thuộc chuyên ngành quản lý môi trường và bền vững, và chuyên ngành kinh doanh quốc tế của ĐH Thái Nguyên. Hơn 1 năm qua, họ đã cùng nhau xây dựng dự án “Biến rác thải hữu cơ thành vàng”.
Sinh viên Phạm Thị Hải Yến, trưởng nhóm, cho biết: “Hiện nay, rác thải hữu cơ chủ yếu bị chôn lấp hoặc tiêu hủy, đặc biệt tại các TP lớn, trong khi đây là nguồn tài nguyên quý. Trong quá trình học, chúng tôi được biết ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens) có thể phân hủy được 90% thể tích rác thải hữu cơ. Vì vậy, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu và triển khai dự án, dùng ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác hữu cơ và nuôi lớn chúng làm thức ăn chăn nuôi”.
Theo nhóm nghiên cứu, 1 quả chuối bình thường mất đến 1.800 giờ để phân hủy hoàn toàn, trong khi với ấu trùng ruồi lính đen, thì chỉ cần chưa đầy 2 giờ. Nếu ấu trùng này được thả vào rác hữu cơ, chỉ trong 2 tuần sẽ phát triển thành nhộng và sẽ được thu gom làm thức ăn chăn nuôi giàu giá trị dinh dưỡng. Đồng thời, lượng phân thải ra sau quá trình "tiêu thụ" rác hữu cơ của ấu trùng được dùng làm phân bón sạch, vì có nguồn gốc từ tự nhiên. Sản phẩm nhộng tươi sống, hoặc được sấy khô là món ăn yêu thích của các loại gia súc, gia cầm, do có hàm lượng dinh dưỡng cao và hoàn toàn không có hóa chất độc hại. Theo tính toán của nhóm thì 1 tấn rác hữu cơ có thể mang lại 16 triệu đồng.
“Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mỗi ngày thải ra hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó hơn một nửa là rác hữu cơ và chúng ta có thể kiếm được 3 - 4 tỉ đồng từ lượng rác hữu cơ đó, nếu sử dụng loài ruồi lính đen. Tại sao chúng ta lại lãng phí nó?”, Yến trăn trở.
Sau khi nghiên cứu, nhóm sinh viên đã huy động người dân tại P.Tân Thịnh (TP.Thái Nguyên) thu gom rác thải hữu cơ và dùng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác cho các hộ gia đình. Kết quả, cây trồng và vật nuôi của các hộ gia đình sau khi sử dụng sản phẩm từ dự án đều tăng trưởng rất tốt. Sản phẩm cũng đã được mang đến thử nghiệm cho vật nuôi ở một trang trại H.Tân Cương (Thái Nguyên) và được đánh giá cao. “Chúng tôi sẽ biến rác thải thành những thứ có giá trị, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giải quyết cả vấn đề môi trường như: xử lý rác hữu cơ, hạn chế được diện tích bãi chôn lấp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đó là biện pháp sinh học để làm sạch môi trường. Sản phẩm tạo ra đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường”, trưởng nhóm Phạm Thị Hải Yến khẳng định.
Thành công của dự án cũng đã mang lại lợi ích cho người dân và thay đổi thói quen “đối xử” với rác. “Khi dự án được đầu tư và phát triển rộng khắp thì người dân sẽ là đối tác trong việc sản xuất sản phẩm này. Chúng tôi sẽ tận dụng nguồn nhân lực là những người dân trên địa bàn để thu gom rác thải hữu cơ và sẽ sản xuất lớn, cung cấp thức ăn chăn nuôi và phân bón cho các trang trại. Điều này sẽ giúp người dân tăng thu nhập và làm thay đổi nhận thức, thói quen phân loại rác của họ”, Yến nói.
Hiện dự án của nhóm đã hoàn thành thử nghiệm. “Sắp tới, cùng với việc kêu gọi hợp tác sản xuất, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi đầu tư từ các đối tác khác, hoặc các dự án từ chính phủ, vì dự án này không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế mà nó còn đóng góp những giá trị to lớn cho xã hội”, Yến chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.