Tham vọng tìm cách biến động vật thành công cụ, vũ khí lợi hại trong các cuộc chiến và hệ thống cảnh báo hiệu quả giữa thời bình được nhiều nước chú trọng. Thế nhưng dự án mới của Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) đang được xem là một trong những chương trình táo bạo nhất: biến sinh vật biển thành mạng lưới cảm biến phát hiện tàu ngầm.
Khai thác năng lực tự nhiên
tin liên quan
Ly kỳ cuộc đời điệp viên giúp xây nhà hát con sòTheo trang navy.mil, thông thường có hai phương pháp truy lùng tàu ngầm dưới biển bằng cách sử dụng sự lan truyền âm thanh trong môi trường nước để phát hiện và định vị mục tiêu (gọi là sonar). Với cách đầu tiên, thiết bị sonar chủ động truyền sóng âm trong môi trường nước, khi xung sóng chạm phải vật cản và dội trở về nguồn phát, thuật toán sẽ tái dựng mô hình mục tiêu, cho phép xác định đó là gì. Dù là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay, biện pháp này có nhược điểm là làm lộ vị trí các tàu bạn xung quanh tàu phát sonar chủ động. Trong khi đó, sonar thụ động chỉ bắt tín hiệu sóng âm hoặc các âm thanh khác phát ra từ tàu mục tiêu. Nếu phương pháp này có ưu điểm mang đến sự an toàn cho tàu sử dụng sonar thụ động, thì nó lại vô dụng trong trường hợp tàu ngầm đối thủ chạy quá êm.
Nhằm hóa giải thế bí này, DARPA nghĩ đến cách thứ ba, tương tự như sonar thụ động nhưng lại nâng cao hiệu suất dò tìm tàu ngầm. Cách tiếp cận mới tập trung khai thác mọi dao động trong các sinh vật dưới nước, như hành vi của đàn cá vược Nhật đến phản ứng của vi khuẩn trước tín hiệu tỏa ra từ các tàu ngầm. Chương trình Các cảm biến sống bám trụ trong lòng đại dương (PALS), kéo dài 4 năm, sẽ sử dụng dữ liệu thu được để biến động vật biển thành điệp viên ngầm trong môi trường nước. “Chúng tôi cố gắng giải mã thông điệp mà các sinh vật diễn giải về sự hiện diện và các chuyển động của mọi phương tiện đang di chuyển trong lòng biển”, theo BBC dẫn lời tiến sĩ Lori Adornato, Giám đốc chương trình PALS.
[VIDEO] Cá voi trắng đeo vòng cổ bị nghi là... gián điệp Nga
|
Dự án đầy thu hút
DARPA phân bổ 45 triệu USD (hơn 1.049 tỉ đồng) cho 5 đội ngũ nghiên cứu, với mỗi đội có nhiệm vụ xác định đối tượng sinh vật biển cụ thể và phát triển các kỹ thuật theo dõi chúng trước khi chuyển thông tin về đất liền. Một đội, do nhà thầu quân sự Raytheon dẫn đầu, đang thẩm định khả năng sử dụng tôm pháo làm cảm biến dưới biển. Tôm pháo, hay còn gọi là tôm gõ mõ, liên tục búng càng của chúng với tốc độ cực nhanh, giúp tạo nên một dạng tín hiệu âm thanh truyền đi trong lòng biển. Khi chạm phải các vật cản, tín hiệu dội về, và khi lọt vào thiết bị của con người nó có thể giúp xác định hình dạng và kích thước của vật cản. Còn đội của Northrop Grumman chọn cá mú khổng lồ, chiều dài lúc trưởng thành lên đến 2,5 m, làm đối tượng nghiên cứu. Loài cá này tạo nên các âm thanh vang vọng trong lòng biển, và vô cùng tò mò trước các vật thể tiến vào khu vực sinh sống của chúng.
Dự án mới đã bước vào giai đoạn khởi động và chưa rõ hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp thành công, quân đội Mỹ có lẽ phải đối diện với một thách thức sát sườn hơn: nạn đánh bắt cá quá mức và thay đổi khí hậu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến quân số của các “điệp viên” tương lai.
Bình luận (0)