Ngày 21.10, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu giá biển số xe ô tô. Theo thông báo, sẽ có 409 biển số được đưa lên sàn đấu.
Tại lượt đấu đầu tiên diễn ra vào khung 8 giờ - 9 giờ, biển số được nhiều người chú ý nhất là 51K-888.88 của TP.HCM.
Đây là lần thứ hai biển số này được đưa ra đấu giá, sau khi từng đấu giá thành công hồi tháng 9 nhưng người trúng đấu giá bỏ cọc.
Kết thúc lượt đấu giá, biển số 51K-888.88 được một "đại gia" chốt giá ở mức hơn 15 tỉ đồng. So với lần đấu giá trước đó (hơn 32 tỉ đồng), mức giá đã giảm hơn một nửa. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, 51K-888.88 vẫn là biển số nằm trong top đầu có giá trị cao.
Xem nhanh 12h ngày 21.10: Biển số 51K-888.88 được 'đại gia' chốt hơn 15 tỉ, giảm một nửa so với lần đầu
Được biết, ngoài biển số 51K-888.88, nhiều biển số "siêu VIP" từng đấu giá thành công sẽ được đưa ra đấu giá lại trong thời gian tới, với cùng lý do là người trúng đấu giá bỏ cọc. Điển hình như 30K-555.55, 30K-567.89, 36A-999.99…
Tình trạng người trúng đấu giá biển số nhưng bỏ cọc đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2023 của Chính phủ quy định số tiền đặt trước cho mỗi biển số là 40 triệu đồng. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc này.
Để hạn chế việc bỏ cọc, luật Đấu giá tài sản hiện hành có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính...
"Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính trong đấu giá", bà Hoa cho hay.
Vẫn theo bà Hoa, Bộ Tư pháp đang trong quá trình sửa đổi luật Đấu giá tài sản. Nhiều nội dung sửa đổi tập trung vào việc tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan.
Biển số 51K-888.88 được 'đại gia' chốt hơn 15 tỉ, giảm một nửa so với lần đầu
Trao đổi thêm với Thanh Niên, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam cho biết, quá trình tổ chức đấu giá biển số xe được tuân thủ theo quy chế đấu giá do công ty ban hành.
Quy chế đấu giá xây dựng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ. Trong đó, cả nghị quyết và nghị định đều nêu rõ trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.
Vì vậy, các nội dung trong quy chế đấu giá, bao gồm việc người trúng đấu giá bỏ cọc, đều phải bị xử lý theo pháp luật. Tổ chức đấu giá không được tự ý đưa ra thêm chế tài đối với trường hợp này nếu pháp luật không quy định.
Bình luận (0)