Ngày 7.11, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. Trong số này, GD-ĐT sẽ là một trong những lĩnh vực tiếp theo được các đại biểu quan tâm.
Theo báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ngành GD-ĐT đã đạt nhiều kết quả khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 134/2020 và Nghị quyết số 41/2021 của Quốc hội. Tuy vậy, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại, cần có giải pháp tháo gỡ.
Giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn
Về giáo dục mầm non, toàn ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Năm học 2022 - 2023, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. Số phòng học kiên cố tăng 1.430 phòng, phòng học tạm giảm 252 phòng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư.
Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non; ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng; chính sách tiền lương, hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc...
Cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập
Về giáo dục phổ thông, báo cáo nhận định việc biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đạt những kết quả nhất định.
Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được đổi mới căn bản; chuyển từ hình thức từ thi tự luận là chủ yếu sang thi trắc nghiệm; ngày càng bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, khách quan, giảm tốn kém, giảm tiêu cực.
Tuy vậy, việc biên soạn SGK còn nhiều lúng túng, Bộ GD-ĐT đã không tổ chức biên soạn một bộ SGK của Nhà nước theo quy định của Nghị quyết số 88/2014.
Cạnh đó, việc cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian, chi phí phát hành (chiết khấu) SGK cao, không hợp lý; giá bộ SGK mới cao hơn từ 2 - 4 lần so với bộ SGK cũ.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy chế kỳ thi qua từng năm cho thấy sự thiếu ổn định về chính sách; thể hiện sự lúng túng trong công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước.
Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Những biểu hiện hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một bộ phận giáo viên, học sinh đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, sự phát triển toàn diện của học sinh…
Tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn
Về giáo dục đại học, công tác tuyển sinh và quản lý chất lượng đào tạo đại học có bước đổi mới. Tiềm lực khoa học công nghệ của các trường đại học có nhiều cải thiện. Nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối tượng người dân tộc thiểu số đã góp phần thúc đẩy công bằng trong việc tiếp cận với đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đối tượng này.
Tuy nhiên, việc quy hoạch sử dụng đất dành cho mục đích xã hội hóa giáo dục còn chưa được quan tâm; thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư cho phát triển GD-ĐT còn hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyển sinh đại học còn bất cập.
Đặc biệt, việc khai thác, sử dụng dữ liệu về kết quả kiểm định còn chưa tốt do thông tin chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hệ thống.
Việc thực hiện tự chủ đại học còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật chưa thực sự thông thoáng, còn có nhiều nội dung chồng chéo, ràng buộc lẫn nhau. Chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động…
Bình luận (0)