Biến thể Covid-19 mới Omicron: chúng ta đã biết được gì?

28/11/2021 08:52 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể Covid-19 B.1.1529 mới là “ Omicron ” và xác định là một chủng đáng quan ngại , chỉ vài tuần sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu tiên.

Thông báo được đưa ra vào hôm 26.11 trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Omicron có khả năng lây nhiễm cao và có thể làm giảm hiệu quả vắc xin. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa có nhiều thông tin về nó.

Điều chắc chắn là biến thể này có số lượng đột biến nhiều bất thường. Có tới 32 đột biến nằm trong protein gai, bao gồm một số đột biến có liên quan đến việc giúp virus né tránh kháng thể.

Một đột biến khác dường như làm tăng khả năng xâm nhập của virus vào tế bào, làm cho nó dễ lây lan hơn.

Omicron đến từ đâu?

Chủng Covid-19 mới lần đầu tiên phát hiện ở Botswana ngày 11.11, nơi có 3 ca bệnh được ghi nhận. Trong khi đó tại Nam Phi, 22 trường hợp liên quan Omicron được báo cáo hôm 14.11, theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm.

Botswana ghi nhận 3 ca bệnh liên quan đến Omicron vào ngày 11.11

dna

Ngoài ra, chủng Omicron cũng được phát hiện ở Hồng Kông và Bỉ, cả hai ca bệnh đều là người đi du lịch từ nước ngoài về.

Giới khoa học cho biết đây là biến thể có số thay đổi trong protein gai nhiều nhất cho đến nay. Có ý kiến cho rằng biến thể xuất hiện từ một người bị suy giảm miễn dịch, và người đã mang virus trong một thời gian dài. Đó có thể là một người bị nhiễm HIV/AIDS chưa được chẩn đoán.

Omicron liệu có kháng vắc xin?

Các protein gai bao phủ virus Covid-19 có nhiệm vụ giúp virus bám và xâm nhập vào tế bào của người. Vắc xin huấn luyện cơ thể nhận biết những gai này và vô hiệu hóa chúng, qua đó ngăn ngừa lây nhiễm.

Tuy nhiên, 32 đột biến trong protein gai của Omicron sẽ thay đổi hình dạng của cấu trúc này, gây khó khăn cho phản ứng miễn dịch do vắc xin tạo ra. Những đột biến này có thể làm kháng thể ít nhận biết protein gai hơn.

Do vậy, kháng thể sẽ không hoạt động hiệu quả trong việc vô hiệu hóa virus, nhờ đó virus có thể vượt qua hệ thống miễn dịch và xâm nhập vào cơ thể.

Chúng ta có nên lo lắng về chủng Omicron?

Giới khoa học đang có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, cảnh báo rằng biến thể này có thể là "mối lo thực sự" do số lượng đột biến trong protein gai.

Trong khi đó, Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện Gien thuộc Đại học London, lại cho rằng "không có lý do gì để phải lo lắng quá mức, trừ khi tần suất xuất hiện bắt đầu tăng nhanh trong tương lai gần".

Tiến sĩ Meera Chand thuộc nhóm tư vấn khoa học về Covid-19 cho chính phủ Anh cho biết việc xuất hiện đột biến mới ở virus Covid-19 là thường xuyên và ngẫu nhiên, không quá bất thường.

Nhiều quốc gia cấm chuyến bay từ khu vực miền nam châu Phi

ap

Các quốc gia đã bắt đầu hành động để chống lại sự lây lan của chủng mới. Từ ngày 26.11, Anh đã gấp rút cấm chuyến bay từ 6 nước miền nam châu Phi. Liên minh châu Âu và Mỹ cùng ngày cũng ra thông báo tạm ngừng đi lại từ khu vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.