Hôm nay 24.12, theo thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thông tin mới nhất về JN.1, là dòng phụ của biến thể BA.2.86 Omicron.
JN.1 được xác định là một phiên bản riêng biệt, là biến thể được quan tâm ngoài dòng gốc BA.2.86, do mức độ phổ biến tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Thông tin gần đây nhất từ WHO (đến ngày 18.12), JN.1 đã chiếm 27,1% trong các mẫu trình tự gen ở tuần 48, so với 3,3% ở tuần 44. WHO cũng đang theo dõi một số biến thể SARS-CoV-2 như: XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5 và BA.2.86
Trên toàn cầu, EG.5 vẫn được báo cáo nhiều nhất. Tuy nhiên, nó lại có xu hướng giảm dần trong vài tuần qua, chiếm 36,3% trong số các dữ liệu bộ gen được chia sẻ trên GISAID trong tuần 48 so với 53,7% trong tuần 44. GISAID là "ngân hàng" gen, lưu trữ thông tin, cung cấp khả năng truy cập mở vào dữ liệu bộ gen của virus cúm và virus gây đại dịch Covid-19.
Biến thể JN.1 mới gây bệnh Covid-19 nguy hiểm ra sao?
Tại Việt Nam, virus gây bệnh Covid-19 hiện là một số các biến thể được WHO thông báo ghi nhận phổ biến trên toàn cầu. Việc lấy mẫu, xét nghiệm giải trình tự gen của virus gây dịch Covid-19 vẫn đang được các nhà khoa học trong nước duy trì, cùng với cập nhật từ quốc tế.
Trước xu hướng gia tăng của JN.1 tại các nước, các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Y tế đã tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm Covid-19, giải trình tự gen đánh giá biến đổi của virus gây dịch tại Việt Nam, kịp thời ghi nhận, cảnh báo khi trong nước có các biến thể mới.
Theo thông tin từ đơn vị nghiên cứu, JN.1 thuộc phân tuýp của biến thể BA2.86, là biến thể được quan tâm, có gia tăng về số phát hiện so với biến thể khác.
Với các bằng chứng hiện có, giới chuyên môn tạm đánh giá: biến thể này có làm thể gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong bối cảnh bệnh hô hấp khác gia tăng. Hiện khả năng miễn dịch đã có trong cộng đồng và sau tiêm chủng giúp cộng đồng có miễn dịch chéo với JN.1, nhờ đó ngăn chặn lại các triệu chứng nặng.
Biến thể Covid-19 mới gây ra những triệu chứng khác thường
Đánh giá của WHO trên toàn cầu là, JN.1 có nguy cơ ở mức độ thấp, nhưng các nước có mùa đông, cùng với bệnh hô hấp thì biến thể này có thể gia tăng gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Một số chuyên gia về dịch tễ lưu ý, trong nước hiện chưa ghi nhận biến đổi bất thường hoặc sự xuất hiện của biến thể phụ JN.1. Nhưng với sự giao thương đi lại rất lớn giữa các nước, việc các biến thể mới xuất hiện và gia tăng tại Việt Nam là có thể.
Để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế vừa có khuyến cáo mới nhất để người dân chủ động phòng bệnh cá nhân:
Đeo khẩu trang khi ở các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại nơi đông người.
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)