Biến thể Omicron buộc WHO phải cập nhật 'danh sách đen' biến thể Covid-19

27/11/2021 14:15 GMT+7

Biến thể Covid-19 mới vừa được WHO đặt tên là Omicron và giới khoa học cảnh báo đây là chủng có cấu tạo của một loại virus "siêu lây nhiễm". Vậy những cái tên của các biến thể được ra đời như thế nào?

Trước đây, các đợt bùng phát virus được gọi theo tên của quốc gia nơi chúng được phát hiện lần đầu tiên. Ví dụ như bệnh cúm Tây Ban Nha đã tàn phá thế giới sau Thế chiến thứ nhất.

Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thận trọng để tránh đặt tên như vậy. Bản thân virus này đã được chỉ định là SARS-CoV-2 (Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng-CoronaVirus-2) và nó gây ra căn bệnh coronavirus 2019, hay còn gọi là Covid-19.

Biến thể mới được chỉ định tên Omicron có chứa 30 đột biến trong protein gai

rt

Theo truyền thống, các chủng mới phát sinh sẽ được đặt tên theo quốc gia nơi chúng được phát hiện, ví dụ như biến thể Nam Phi hay chúng Ấn Độ. Nhưng WHO đã chuyển sang đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp từ tháng 5.2021. Mục đích của cách đặt tên mới là để dễ nói, dễ nhớ hơn, đồng thời tránh tình trạng "kỳ thị và phân biệt đối xử" khi gọi tên chủng theo quốc gia.

WHO đã chia các chủng virus thành 3 loại: biến thể đáng lo ngại, biến thể đáng quan tâm và biến thể đang theo dõi. Như vậy theo bảng phân loại này, hiện tại chúng ta có 5 biến thể đáng lo ngại, 2 biến thể đáng quan tâm và còn lại nằm trong danh sách biến thể đang theo dõi.

Alpha: chủng Covid-19 đầu tiên

Biến chủng đầu tiên được ghi nhận của virus Covid-19 được xác định vào tháng 12.2020, và sau đó có tên là Alpha. Chủng này lần đầu được phát hiện ở Anh vào đầu năm 2020 và được ước tính có khả năng lây truyền cao hơn từ 40-80% so với virus ban đầu. Tuy nhiên, Alpha không mang lại sự khác biệt về tỷ lệ tử vong nói chung.

Bệnh nhân Covid-19 được cấp cứu ở Anh

reuters

Beta: chủng có 3 đột biến

Chủng Beta thực sự được phát hiện trong các mẫu ở Nam Phi được lấy từ tháng 5.2020. Tuy nhiên, WHO chính thức chỉ định chỉ 6 tháng sau đó, cùng thời điểm với Alpha. Nó có 3 đột biến trong protein gai và có khả năng lây truyền cao hơn từ 20-30%.

Gamma: vẫn gây chết người

Được ghi nhận lần đầu tiên ở Brazil vào tháng 11.2020, chủng Gamma có 17 axit amin thay thế, 10 trong số đó nằm trong protein gai và trong đó có 3 đột biến được cho là đáng lo ngại. Chủng này được chỉ định vào tháng 1.2021, có khả năng lây truyền cao hơn tới 38-50% so với virus ban đầu.

Delta: báo động đỏ

Biến thể Delta lần đầu tiên được báo cáo tại Ấn Độ. Được chỉ định vào tháng 5.2021, nó là dòng virus đáng lo ngại nhất đến thời điểm hiện tại. Delta có tới 17 đột biến, bao gồm cả dòng phụ và có khả năng lây truyền cao hơn 97%, khiến tỷ lệ nhập viện nhiều hơn 85% và tỷ lệ tử vong tăng lên 150%.

Biến thể Delta vẫn phổ biến trên toàn thế giới

reuters

Omicron: Nỗi sợ hãi mới

Omicron, lần đầu phát hiện ở Nam Phi, là biến thể vừa được chỉ định chứa 32 đột biến của protein gai. Chủng này làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ kháng lại những vắc xin hiện có. Bên cạnh đó, giới khoa học còn cho rằng biến thể có những đột biến thường giúp virus dễ lây lan hơn.

Ít hơn 100 trường hợp mắc chủng này đã được ghi nhận cho đến nay. Hôm 26.11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cảnh báo nguy cơ chủng này sẽ lan rộng ra châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.