'Biến tướng' dịch vụ mua bán nợ

22/04/2021 04:51 GMT+7

Các công ty dịch vụ đòi nợ thuê bị chấm dứt hoạt động từ 1.1.2021, nhưng liệu loại hình này có thực sự chấm dứt hay biến tướng sang một dạng khác để núp bóng?

Bắt giám đốc công ty mua bán nợ

Mới đây, Công an TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phương Ngọc Dũng (39 tuổi, ngụ Đắk Nông, Giám đốc Công ty TNHH MTV mua bán nợ Kim Ngân - Công ty Kim Ngân ở H.Đắk R’Lấp, Đắk Nông); Phạm Xuân Quân (28 tuổi, nhân viên Công ty Kim Ngân), để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đáng chú ý, trước đây, công ty này có tên là Công ty TNHH MTV đòi nợ Kim Ngân.
Trước đó, chị Q. (ngụ Đắk Nông) bán số nợ 300 triệu đồng (là số tiền chị Đ.T.H, ngụ TP.Gia Nghĩa, mượn của chị Q.) với giá 180 triệu đồng cho Công ty mua bán nợ Kim Ngân. Trong quá trình đòi nợ chị H., nhân viên Công ty Kim Ngân có hành vi gây mất an ninh trật tự, nên bị cơ quan công an bắt giữ, khởi tố…
Chưa hết, đầu tháng 4.2021, chị T.T.M.T (36 tuổi, tạm trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến Báo Thanh Niên kêu cứu vì chị cùng người thân bị đe dọa, “khủng bố” tinh thần. Trước đó, tháng 9.2018, chị T. vay 180 triệu đồng của một ngân hàng ở TP.HCM; trả góp trong vòng 5 năm. Sau khi trả được 13 tháng, chị T. thất nghiệp nên không đóng tiền trả góp 3 tháng liên tục, ngân hàng yêu cầu trả hết nợ và tất toán hợp đồng. Giữa tháng 1.2021, một nhân viên xưng là người của ngân hàng trên gọi điện, nói đã bán nợ, sắp tới công ty mua bán nợ sẽ... đòi nợ chị T. Cuối tháng 1.2021, nhiều cuộc gọi đến số chị T. xưng là nhân viên của Công ty CP đầu tư mua bán nợ S. ở TP.HCM (trước đây là Công ty CP dịch vụ đòi nợ thuê S. ở TP.HCM) đòi tiền.

Vẫn làm dịch vụ đòi nợ như trước đây!

Liên lạc với Công ty CP mua bán nợ Đ.T (có trụ sở ở Q.Tân Bình và văn phòng đại diện ở Q.10, TP.HCM), chúng tôi được nam nhân viên giải thích: “Nếu xác minh “OK” thì công ty ký hợp đồng mua bán nợ, rồi đòi nợ cho khách hàng. Chứ bây giờ công ty đòi nợ đã cấm rồi. Để lách luật, phải chuyển qua công ty mua bán nợ để tiếp tục hoạt động!”. Nhân viên tư vấn khách hàng của Công ty CP mua bán nợ A.K (trụ sở ở Q.Tân Bình) cũng khẳng định: “Hiện bên công ty vẫn làm đòi nợ như bình thường, nhưng hợp đồng sẽ là hợp đồng mua bán nợ”. Nhân viên Công ty CP mua bán nợ L.H (Q.Bình Tân) cũng cho biết “vẫn làm dịch vụ đòi nợ như trước đây”.
“Tao bên Công ty CP đầu tư mua bán nợ S. đây. Hai ngày nữa mày không trả thì “lo mua hòm cho bà già mày đi”. Vài ngày sau, tiếp tục có người gọi điện xưng là công ty mua bán nợ trên, dọa sẽ giết mẹ chị T. Không dừng lại, nhiều tờ rơi với nội dung bôi nhọ danh dự cả gia đình được rải ở khu vực nơi chị gái chị T. đang dạy học (tỉnh Bình Thuận)… khiến cuộc sống gia đình chị đảo lộn.
“Tội nghiệp chị gái tôi. Chị gái tôi đâu có vay tiền, nợ nần gì của họ nhưng họ vẫn bôi nhọ làm ảnh hưởng đến công việc của chị tôi. Đợt dịch Covid-19 khiến tôi mất việc, mất khả năng chi trả, chứ hoàn toàn không có ý định trốn nợ. Tôi sợ vay ở ngoài của “xã hội đen” để tránh lãi vay nặng, rắc rối ảnh hưởng đến tính mạng, người thân nên mới chọn ngân hàng vay, thế nhưng cũng không tránh được”, chị T. chia sẻ.
“Biến tướng” dịch vụ mua bán nợ

Phương Ngọc Dũng (trái), Giám đốc Công ty mua bán nợ Kim Ngân và nhân viên bị công an bắt giữ, khởi tố

Ảnh: CTV

“Con nợ” sẽ không dám manh động

Cuối tháng 2.2021, PV Thanh Niên trong vai người có nhu cầu đòi một khoản nợ, trực tiếp đến Công ty CP mua bán nợ H.T (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để liên hệ làm việc. Tiếp chúng tôi, nam nhân viên công ty này liền hỏi: “Anh có mang giấy tờ liên quan đến việc cho “con nợ” vay tiền không? Nợ cá nhân hay nợ doanh nghiệp?”.
Rồi nam nhân viên giới thiệu: “Từ đầu năm nay, người ta cấm công ty đòi nợ hoạt động rồi. Nên công ty đã chuyển sang… mua bán nợ. Nếu đòi nợ thành công, công ty sẽ thu về 24% tổng số tiền nợ (PV đặt vấn đề khoản nợ là 300 triệu đồng). Tức công ty sẽ lấy 72 triệu đồng, cộng thêm 3 triệu đồng “phí thẩm định hồ sơ”. Tổng số tiền khách phải trả là 75 triệu đồng”.
Nghe khách đề cập “vì tức tối “con nợ” chây ì nên lên mạng thuê người tạt sơn vào nhà “con nợ”, vẫn không ăn thua”, nhân viên này đáp: “Cái này thì nhân viên công ty sẽ thẩm định. Phải đi làm thực tế mới biết, có nhiều yếu tố để biết khả năng có đòi nợ được không. Chứ lỡ con nợ quá chây ì, cũng không ai dám vào nhà tịch thu tài sản của họ. Nếu làm căng quá thì người chịu trách nhiệm là phía công ty, mang tù tội thì cũng chẳng ra cái gì. Mấu chốt vẫn là gây sức ép đến tâm lý con nợ…”.
“Biến tướng” dịch vụ mua bán nợ

Thông báo của một “công ty đòi nợ” nay đổi tên thành “công ty mua bán nợ” để tiếp tục hoạt động thu hồi nợ

Ảnh: Trác Rin

Chúng tôi tiếp tục đến Công ty CP mua bán nợ S.L (Q.Tân Bình, TP.HCM), thì được nữ nhân viên xưng tên D. (khoảng 30 tuổi) tư vấn: “Sau khi xác định rõ lai lịch, hình ảnh, khả năng tài chính của con nợ, công ty sẽ cử nhân viên đội nghiệp vụ đi thẩm định, điều tra trước. Việc thẩm định được bảo mật hoàn toàn. Nếu nhân viên thẩm định xét thấy “con nợ” có khả năng chi trả, công ty sẽ ký hợp đồng với khách. Ngược lại, nếu xét thấy “con nợ” không còn khả năng chi trả, công ty sẽ trả hồ sơ. Bên công ty sẽ theo dõi khách nợ, gia đình khách nợ, công việc kinh doanh và các mối quan hệ khác, nếu “OK” mới ký hợp đồng.
Chúng tôi tỏ ra lưỡng lự vì phía con nợ rất dữ dằn, D. liền khẳng định: “Phía công ty làm ở lĩnh vực này nên cũng dữ chứ không phải hiền. Nếu nợ mà dễ đòi thì chẳng ai chịu mất mấy chục phần trăm để tìm tới công ty thu hồi nợ hết. Đa phần họ đã hết cách mới tìm đến đây. Anh yên tâm là bên công ty sẽ có những biện pháp, những cái lắt léo để đối phó với những đối tượng nợ chây ì, trở mặt”.
D. nói thêm đội nghiệp vụ của công ty đi đòi tiền cũng có 6 - 8 người, nên “con nợ” sẽ không dám manh động...
“Biến tướng” dịch vụ mua bán nợ

Nhân viên của Công ty CP mua bán nợ H.T này cho biết chỉ đổi tên, chứ thực chất công ty vẫn làm dịch vụ đòi nợ thuê

Ảnh: Trác Rin

Chiêu trò biến tướng

Theo chúng tôi tìm hiểu thông tin từ Sở KH-ĐT TP.HCM, hầu hết “tiền thân” của công ty mua bán nợ là công ty đòi nợ thuê.
Năm 2011, Công ty CP dịch vụ đòi nợ S.L; người đại diện pháp luật là ông L. (37 tuổi, ngụ TP.HCM); số điện thoại đường dây nóng: 0909704xxx. Thông tin trên website của công ty này ghi địa chỉ công ty ở đường Trường Sơn (Q.Tân Bình). Đến tháng 6.2020, Công ty CP đầu tư mua bán nợ S.L được thành lập trùng với tên và địa chỉ trụ sở của Công ty CP dịch vụ đòi nợ S.L. Kể cả người đại diện pháp luật cũng trùng, đó là ông L. Nhưng ngành kinh doanh chính là hoạt động mua bán nợ, dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ. Đường dây nóng trên website của công ty này cũng trùng số điện thoại Công ty CP dịch vụ đòi nợ S.L.
Tiếng tăm trong lĩnh vực đòi nợ phải kể đến Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đ.T. Địa chỉ trụ sở chính nằm trên đường Thành Thái (Q.10). Người đại diện pháp luật là ông C. (53 tuổi, ngụ TP.HCM), đường dây nóng của công ty là 0916282xxx. Công ty CP mua bán nợ Đ.T được thành lập vào tháng 7.2020. Địa chỉ trụ sở chính nằm ở Q.Tân Bình, thông tin trên website ghi địa chỉ văn phòng đại diện lại trùng với địa chỉ của Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đ.T. Ngành kinh doanh chính là dịch vụ mua bán nợ; người đại diện pháp luật là bà H. (46 tuổi, ngụ TP.HCM). Đáng chú ý, ông C., người đại diện pháp luật Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đ.T, là thành viên góp vốn Công ty CP mua bán nợ Đ.T. Đường dây nóng của công ty này cũng trùng với Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đ.T.
Tương tự, Công ty TNHH dịch vụ đòi nợ Đ.B do ông Th. (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) và Công ty TNHH mua bán nợ Đ.B (thành lập tháng 10.2020, đều hoạt động ở Q.12), có chung giám đốc, người đại diện pháp luật là ông Th…
Như thế, các công ty đòi nợ nay đã “thay tên, đổi họ” để trở thành các công ty mua bán nợ, nhằm tiếp tục hoạt động đòi nợ thuê.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.