Biển Việt Nam vẫn đang bị 'đầu độc'

31/05/2019 19:10 GMT+7

Môi trường biển Việt Nam đang tiếp tục bị “đầu độc” , diễn biến theo chiều hướng xấu và đứng thứ 4 trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa.

Ngày 31.5, tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Tài nguyên - Môi trường  tổ chức, PGS - TS Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, biển nước ta đứng thứ 4 trên thế giới về mức độ ô nhiễm và vẫn đang tiếp tục bị “đầu độc”.
Theo ông Hồi, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo nước ta chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển, đảo, gây lãng phí lớn tài nguyên biển, đặc biệt là vấn đề nhận chìm chất thải.
Ông Hồi nói thêm, trước đây chúng ta không cho phép nhận chìm chất thải nhưng hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế biển, nhiều vị trí được cho phép nhận chìm đã gây tác động không tốt đến môi trường biển, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển.
Vấn đề đáng lo ngại khác mà ông Hồi chỉ ra là các nguồn lợi về thủy hải sản, du lịch biển Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút, từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ; 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển Việt Nam bị suy thoái, thu hẹp diện tích. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển, ven biển khác.
Chỉ ra nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân quy hoạch đến quản lý, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân của thực trạng trên là do khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định, ông Hồi cho rằng tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ gây ra hiệu ứng domino, không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân, kinh tế ngành thủy sản, mà còn ảnh ảnh hưởng đến khả năng hiện diện dân sự trên biển. 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh, tiềm năng biển Việt Nam là rất lớn để phát triển kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển bền vững được, cần có chiến lượng rõ ràng về giảm ô nhiễm bên cạnh vấn đề tổng thể của kinh tế biển.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cũng cho rằng việc thực hiện triệt để Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ đưa ra sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường biển Việt Nam hiện nay, cũng như phát triển kinh tế biển bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.