Biến vỏ sầu riêng thành băng keo cá nhân kháng khuẩn

27/03/2021 12:25 GMT+7

Đội ngũ khoa học gia của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore đã thành công trong việc biến vỏ sầu riêng thành băng keo cá nhân kháng khuẩn, góp phần xử lý loại rác thải khó giải quyết này.

Sầu riêng là món ăn khoái khẩu tại Đông Nam Á, nhưng công đoạn xử lý vỏ của loại trái cây này không hề dễ, chủ yếu do phần gai nhọn đặc thù của nó.
Vỏ chiếm khoảng 60% số rác thải ra sau khi ăn sầu riêng, và thường chỉ có thể vứt đi. Tuy nhiên, giờ đây vấn đề này đã phần nào được giải quyết.
Nhóm 4 chuyên gia NTU vừa tìm được cách biến vỏ sầu riêng thành băng keo cá nhân kháng khuẩn, loại thường dùng để bảo vệ các vết thương hậu phẫu nhằm giảm nguy cơ bị sẹo lồi.
Những loại băng keo cá nhân có mặt trên thị trường hiện nay thường làm từ các vật liệu nhân tạo như nhựa polymer và có thể còn bao gồm những hợp chất kim loại như bạc hoặc đồng.
Để tạo ra băng dán từ vỏ sầu riêng, đội ngũ NTU chiết xuất cellulose, thành phần chính làm nên thành tế bào ở thực vật, từ vỏ và kết hợp với glycerol, một dạng phó phẩm của diesel sinh học.
Kế đến, họ bổ sung các phân tử sinh học của men bánh mì vào tổ hợp để tạo ra loại băng keo cá nhân có năng lực kháng khuẩn, không độc hại và tự phân hủy trong môi trường.
Theo tính toán, 200 g bột vỏ sầu riêng lấy từ 3 kg sầu riêng có thể chiết xuất khoảng 40g cellulose, đủ để tạo ra khoảng 1.600 miếng dán kích thước 1 cm x 2 cm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.