Biết điểm chuẩn lớp 10 công lập: Không đậu chưa phải đã 'chấm hết'

11/07/2022 13:38 GMT+7

Sau khi điểm chuẩn lớp 10 được công bố, những học sinh không trúng tuyển vào công lập cảm thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí 'tuyệt vọng'. Liệu có 'chiếc phao' nào giúp các em bình tâm đi tiếp?

Chọn học những nghề phù hợp

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, TP.HCM có khoảng 93.000 thí sinh dự thi và đăng ký nguyện vọng vào 114 trường THPT công lập. Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào sáng 11.7, có khoảng 73.000 thí sinh trúng tuyển và gần 20.000 thí sinh không trúng tuyển cả 3 nguyện vọng.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể lựa chọn các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trường trung cấp nghề... tùy vào nhu cầu học tập, định hướng nghề nghiệp và điều kiện của từng gia đình.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, học nghề không chỉ dành cho học sinh tốt nghiệp THPT không đậu ĐH, mà còn cả học sinh tốt nghiệp THCS. Nhiều trường đã xây dựng các chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp THCS không đậu lớp 10 công lập hoặc có mong muốn rẽ sang hướng học nghề ngay sau khi học hết lớp 9.

Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được học song song các môn văn hoá và nghề

V.Đ

Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt, cho biết có nhiều ngành nghề phù hợp với lứa tuổi 15, 16. Một trong số những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn là chăm sóc sắc đẹp.

"Người học nghề sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng trong quy trình phục vụ khách hàng như kỹ thuật chăm sóc tóc, móng, da, toàn thân, nghệ thuật trang điểm, tư vấn mỹ phẩm cho khách hàng... cùng cách sử dụng các thiết bị, máy móc chuyên ngành. Hiện nay, nhu cầu làm đẹp tăng chóng mặt, các dịch vụ làm đẹp lên ngôi, do đó những ngành này chỉ cần học xong là có việc làm với mức thu nhập khá cao", ông Đức cho hay.

Nhiều trường khác như CĐ Viễn Đông, CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, Trung cấp Nguyễn Tất Thành... cũng đang đào tạo ngành chăm sóc sắc đẹp.

Không chỉ vậy, nhu cầu nhân lực ở các ngành kỹ thuật ở trình độ trung cấp, CĐ hiện cũng rất cấp bách.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, thông tin: "Hàng năm, rất nhiều công ty đến trường xin tuyển dụng học sinh tốt nghiệp ở các ngành như chế tạo khuôn mẫu, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí chế tạo, thiết kế đồ họa... Thế nhưng, Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng như một số trường khác không đủ học sinh, sinh viên để cung cấp. Các ngành này đều được thiết kế thời lượng thực hành tới 50 - 60% và lý thuyết không quá nhiều nên các em tốt nghiệp THCS sẽ không cảm thấy áp lực".

Các trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, Công nghệ TP.HCM, Công nghệ thông tin TP.HCM, Kỹ nghệ 2 cũng có hàng loạt ngành về kỹ thuật, công nghệ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS như: hàng không, hàn, cắt gọt kim loại CNC, logistics, cơ điện tử, điện - điện tử, công nghệ thông tin, may thời trang, thương mại điện tử, thiết kế đồ họa...

Bên cạnh đó, thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết những ngành thuộc nhóm kinh tế như kế toán, logistics... thị trường lao động cũng đang thiếu. "Trường nhận được nhiều thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trong thời điểm này nhưng không có học sinh, sinh viên để giới thiệu do các em tốt nghiệp đều đã đi làm hết rồi", thạc sĩ Đông cho hay.

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề thiết kế đồ họa tại một trường CĐ

QUANG LINH

Học xong đi làm hoặc liên thông lên CĐ, ĐH

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, lưu ý, lợi thế lớn nhất của các em tốt nghiệp THCS đi học nghề là tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sớm tham gia thị trường lao động và nếu muốn lại vẫn có thể liên thông lên bậc học cao hơn.

"Học sinh không đậu vào lớp 10 công lập không có nghĩa là mọi thứ đã chấm hết. Phụ huynh và học sinh cần bình tĩnh vì vẫn còn rất nhiều hướng đi giúp các em có thể thành công trong tương lai. Trong đó, học nghề chính là một trong những hướng đi phù hợp mang lại nhiều lợi ích lâu dài", bà Vân chia sẻ.

Hiện nay, tại các trường nghề, học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn một trong 2 chương trình.

Chương trình thứ nhất là vừa học nghề vừa học 4 - 5 môn văn hóa tùy vào ngành học cụ thể. Sau 2 năm rưỡi đến 3 năm, người học sẽ được nhận bằng trung cấp đồng thời được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT để học liên thông lên CĐ.

Chương trình thứ hai là vừa học nghề vừa học 7 môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên. Sau khi hoàn thành chương trình, học sinh vừa có bằng trung cấp, vừa có thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và khi có bằng tốt nghiệp, người học có thể liên thông lên trình độ ĐH.

“Nếu lựa chọn con đường này, các em không đậu lớp 10 chỉ mất khoảng 3 năm để lấy bằng trung cấp, 4 năm để lấy bằng CĐ và 5 năm rưỡi để lấy bằng ĐH. Chi phí học tập cũng thấp do các em được hưởng chính sách miễn hoàn toàn học phí ở bậc trung cấp. Học trung cấp xong, các em có thể đi làm ngay để phụ giúp gia đình, hoặc liên thông lên CĐ, ĐH", thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, nhận định.

Như vậy, từ khi bắt đầu học tới lúc nhận bằng ĐH, các em chỉ mất 5 năm rưỡi, trong khi nếu chọn con đường học THPT rồi ĐH thì phải mất 7 năm mới có bằng ĐH, theo ông Cường.

Cuối cùng, tiến sĩ Phan Thị Hải Vân nhắn nhủ với những học sinh không đậu vào lớp 10 công lập rằng: "Thành công không nhất thiết phải học THPT rồi học ĐH. Thành công đến với những người biết chọn hướng đi phù hợp và nỗ lực trên con đường ấy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.