Nằm trên một đỉnh đồi ở đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 3 km, Dinh 3 được nhiều người đánh giá là công trình đẹp nhất trong những dinh thự của vua Bảo Đại.
Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Paul Veysseyre và Arthur Kruze thiết kế và hoàn thành khoảng năm 1937 (*). Khi vua Bảo Đại còn ở Huế, đây là biệt điện mùa hè, nơi nghỉ dưỡng. Khoảng năm 1950, nơi đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của cựu hoàng Bảo Đại - người có cả đội máy bay riêng do phi công người Pháp lái. Sau năm 1955, đây là nơi nghỉ mát của tổng thống chế độ VNCH.
Ngoài bồn hoa lớn trước dinh, vườn Thượng uyển, hồ nước, khuôn viên dinh có nhiều tiểu cảnh như ở các cung điện Pháp, nên đâu cũng có khoảng xanh. Dinh 3 gồm hai tầng với 25 phòng lớn nhỏ, có hầm chứa rượu quý hiếm và nhiều cổ vật cung đình Huế như: ấn tín, ngọc tỷ, ngà voi… Đây cũng là nơi có bộ sưu tập ngọc đầy đủ và quý giá nhất của các triều đại phong kiến VN còn tới ngày hôm nay (bảo vật này hiện vẫn đang được bảo vệ, chưa được trưng bày).
Vua Bảo Đại là tay thiện xạ và thường tổ chức đi săn. Ngày trước, trong Dinh 3 còn trang trí bằng 3 bộ da cọp và cặp sừng trâu rừng do vua Bảo Đại bắn được.
Đặc biệt, theo Báo Người Lao Động, tại Dinh 3 còn lưu giữ một bản đồ VN làm bằng bạc. Những địa hình núi cao, bạc được dát dày hơn. Vùng đồng bằng châu thổ nơi trồng lúa thì có biểu tượng người và con trâu đi cày. Vùng chuyên trồng dừa như Bến Tre, Bình Định… được khảm bạc hình cây dừa. Trên biển thì khảm bạc những chiếc thuyền đánh cá…
(*): Có ý kiến cho rằng Dinh 3 do KTS người Pháp là Paul Veysseyre và KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế, hoàn thành năm 1938. Tuy nhiên điều này vẫn còn gây tranh cãi vì giai đoạn 1933 - 1938, KTS Huỳnh Tấn Phát lúc đó mới đang là SV Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Bình luận (0)