Hiện nay, ở một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đang rất “ghiền” món này.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, với tâm trạng trĩu nặng, cặp vợ chồng quê Quy Nhơn (Bình Định) có con đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học đóng trên địa bàn TP.HCM chia sẻ với người viết rằng con trai anh chị đã “bập” cần sa sau khi làm quen với thuốc lá điện tử (TLĐT) từ hồi… đầu cấp 3. Con trai anh đã “khai báo” rằng hút TLĐT từ năm học lớp 10, khi vẫn còn ở quê và do một “anh” chơi chung trong “hội” bóng rổ giới thiệu. Học hết cấp 3, “hội bóng rổ” ấy cũng dăm ba đứa vào được TP.HCM tiếp tục học cao đẳng, đại học. Như “chim sổ lồng”, để tìm cảm giác mạnh, “phê” hơn, các thành viên trong “hội” đã mua cần sa thông qua những hội kín trên mạng xã hội Facebook.
Mới đây, trong thông cáo báo chí, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sau nhiều năm nỗ lực do các chính phủ đang cứng rắn hơn với ngành công nghiệp thuốc lá, lần đầu tiên, tình trạng hút thuốc lá ở nam giới giảm. Ngành công nghiệp “có khói” này nhiều thập niên qua là nguồn lợi béo bở của nhiều công ty, tập đoàn. Nay lợi nhuận bỗng chững lại họ đã xoay xở “sáng chế” ra “thuốc lá thế hệ mới” được biết đến nhiều với tên gọi: TLĐT, vape…
Tháng 9.2019, Ấn Độ - nước sản xuất thuốc lá lớn thứ 3 và là thị trường tiêu thụ thuốc lá truyền thống lớn thứ 2 thế giới - đã chính thức cấm hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ, sản xuất, lưu trữ, phân phối, quảng cáo TLĐT. Nhiều bang ở Mỹ cũng đã ban hành lệnh cấm TLĐT.
Nhưng thông qua mạng xã hội không biên giới, các nhà sản xuất mặt hàng này tìm mọi cách để quảng bá TLĐT, từ việc tận dụng các KOL (Key opinion leader: tạm dịch “người có ảnh hưởng”) để truyền đi thông điệp hút TLĐT là sành điệu, “chất”… cho đến việc tài trợ, mua chuộc các nhà khoa học để đưa ra những công bố sai sự thật về TLĐT (như trường hợp một nhóm nhà khoa học ở Ấn Độ mới đây, đã đưa ra tuyên bố TLĐT không có hại và sau đó bị giới chuyên môn trên thế giới chỉ trích nặng nề). Nếu “cuộc chiến” với thuốc lá truyền thống đã phải rất nỗ lực để giảm lượng người hút, thì với TLĐT - vốn cũng rất quyết tâm trong việc tạo ra “thế hệ nghiện mới” - cũng trầy trật không kém.
Ở Việt Nam, với sự phổ biến của TLĐT thời gian gần đây, muốn ngăn chặn đòi hỏi cần sự phối hợp liên ngành, liên bộ. Tình trạng biết TLĐT “độc” không kém gì thuốc lá truyền thống, được mua bán dễ như “rau” mà nói “khó phát hiện”, “khó xử lý”… thì thật thiếu trách nhiệm.
Bình luận (0)