Biệt đội chống lấn chiếm biên giới

24/03/2022 06:06 GMT+7

Những cán bộ, chiến sĩ công tác ở biên giới Cao Bằng, thời điểm thập niên 80 - 90 thế kỷ 20 thường gọi Đoàn xã Sóc Hà (H.Hà Quảng) là “biệt đội chống lấn chiếm biên giới”.

Nói đến Hà Quảng (Cao Bằng), ai cũng nghĩ đến hang Pắc Bó - suối Lê Nin. Ít người biết nơi đây còn có cửa khẩu Sóc Giang - trận tuyến ác liệt ngăn bước quân Trung Quốc xâm lược tháng 2.1979 và bền bỉ, thầm lặng chặn những âm mưu lấn chiếm sau chiến tranh biên giới…

Những cán bộ, chiến sĩ công tác ở biên giới Cao Bằng, thời điểm thập niên 80 - 90 thế kỷ 20 thường gọi Đoàn xã Sóc Hà (H.Hà Quảng) là “biệt đội chống lấn chiếm biên giới” và Bí thư Đoàn xã Nông Đức Bào là thủ lĩnh.

“Cựu binh xe ôm” làm bí thư đoàn

38 năm công tác, trong đó có 24 năm gắn bó với mảnh đất Hà Quảng, trưởng thành từ Phó bí thư Đoàn huyện lên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng và sau đó là Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng, nên ông Nông Thanh Khoa rất rành rẽ các sự kiện xảy ra ở Cao Bằng mấy chục năm qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi, động viên cán bộ và đoàn viên, thanh niên xã Sóc Hà, năm 1997

“Sau chiến tranh biên giới tháng 2.1979, người dân sơ tán về tuyến sau. Cuối 1988, cấp trên có chủ trương bình thường hóa biên giới Việt - Trung, bà con mới lục tục quay trở lại. Hoạt động Đoàn cũng chỉ phục hồi từ đầu năm 1989 và Sóc Hà là điểm sáng nhất huyện, cũng do có sự nhiệt tình, năng nổ của Bí thư Đoàn xã Nông Đức Bào”, ông Khoa nhớ vậy.

Giữa tháng 11.1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng có thông báo số 118/TB về việc qua lại của nhân dân 2 bên biên giới Việt - Trung. Sau đó, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cũng ban hành các chỉ thị hướng dẫn cụ thể. Qua thời gian thực hiện, đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tổ chức lỏng lẻo, nên tại Cao Bằng, tình hình rất phức tạp ở biên giới H.Hà Quảng.

Ông Nông Đình Sỹ, nguyên Chính trị viên Đồn biên phòng Sóc Hà (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang), kể: “Ta tập trung về kinh tế, thả lỏng việc quản lý nên người Trung Quốc tự do sang đất ta mua bán trao đổi hàng hóa, xâm canh lấn chiếm biên giới”, và liệt kê: “Trên toàn tuyến, trung bình có 100 - 150 người Trung Quốc sang đất ta trong 1 ngày. Vào phiên chợ Sóc Giang, Tổng Cọt, con số là 1.000 - 1.200 người/ngày. Ngày ít nhất cũng có 70 người Trung Quốc sang mua hàng ở các địa bàn Sóc Hà, Đôn Chương, Xuân Hòa, Nặm Nhũng, Tổng Cọt”.

Sự phức tạp, bất an diễn ra chủ yếu ở xã Sóc Hà (nơi có cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng) khiến lãnh đạo xã liên tục tìm cách ổn định tình hình. Cuối năm 1988, Bí thư Hà Thanh Hương nêu ý kiến: “Cải tổ lại tổ chức Đoàn thanh niên, làm lực lượng xung kích ổn định tình hình địa phương”. Khi gọi đến bí thư đoàn xã thì người này từ chối, khiến lãnh đạo xã Sóc Hà quyết định “thay bí thư đoàn”. Người được lãnh đạo xã nhắm đến là cựu binh Nông Đức Bào, 29 tuổi, lúc ấy đang chạy xe ôm.

Lãnh đạo xã Sóc Hà và cán bộ đồn biên phòng đi kiểm tra, đôn đốc hoạt động thanh niên ở các xóm bản vùng cao, năm 1993

TƯ LIỆU

Ấm no, ắt có phong trào

Ông Nông Đức Bào sinh năm 1959 ở xóm Trúc Long (nay là xóm Địa Long), xã Sóc Hà. Tháng 8.1978, ông nhập ngũ vào Trung đoàn Pháo binh 188 (Sư đoàn 346, Quân khu 1), trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2.1979, và sau đó là bảo vệ biên giới Hà Quảng, giữ chức chủ nhiệm trinh sát của Trung đoàn Pháo binh 188.

Giữa năm 1986, các đơn vị chủ lực được lệnh rút về phía sau, riêng Trung đoàn Pháo binh 188 thì chuyển về tận Thái Nguyên, thượng úy Nông Đức Bào xin chuyển sang Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng để được ở lại tuyến đầu bảo vệ quê hương. Do cấp tỉnh không có biên chế pháo binh, nên thượng úy Nông Đức Bào (27 tuổi) xin phục viên, và đúng ngày 22.12.1986 ông rời quân ngũ, khoác ba lô về quê nhà Sóc Hà. Sau 6 tháng không xin được việc trong cơ quan nhà nước, ông Bào mang hết tiền phục viên, mua 1 chiếc xe Minsk, túc tắc chạy xe ôm chở khách.

“Ban đầu tôi không nhận chức bí thư đoàn xã, nhưng các bác nói: Cậu là sĩ quan - đảng viên, tuổi còn trẻ, không giúp quê hương ổn định phát triển thì giúp ai? Nói thế thì phải làm rồi. Hồi ấy cả nước khó khăn thiếu thốn. Biên giới Cao Bằng thì vất vả gấp chục lần vì đi lại xa xôi khó khăn, cơ sở hạ tầng bị Trung Quốc phá hoại từ tháng 2.1979”, ông Bào kể.

Ngày đầu tiên đến trụ sở Đảng ủy - UBND xã Sóc Hà là ngôi nhà gỗ 3 gian ở làng Nà Nghiềng để nhận bàn giao, ông Bào chỉ được cung cấp tên người tham gia ban chấp hành đoàn xã. Riêng con dấu, bí thư xã cùng dân quân phải lên tận nhà người bí thư đoàn cũ... gây sức ép, mấy lần mới lấy được.

Thời gian đầu, một mình ông Bào mang cơm nắm, bi đông nước đến từng xóm trong xã, gặp trưởng xóm, bí thư chi bộ và những người trong độ tuổi thanh niên để củng cố, thành lập lại các chi đoàn. Khi đã hoàn thiện hệ thống Đoàn cơ sở, ông tiếp tục đưa ra khẩu hiệu “tự thân vận động” cho các chi đoàn, lập mô hình làng thanh niên, gây quỹ để tổ chức các hoạt động Đoàn.

“Vùng thấp thì tổ chức quản lý lại các ao hồ, đồi chè do hợp tác xã để lại và phát triển nó để có thu nhập. Vùng cao thì phát triển lợi thế trồng hoa quả, đỗ tương, chăn nuôi gia súc gia cầm. Sau một thời gian, cách làm này hiệu quả, bán ra tiền, có quỹ để phong trào thanh niên bắt đầu đi vào hoạt động nền nếp”, ông Bào nhớ vậy và cười: “Chỉ cách cho thanh niên kiếm tiền thì dễ. Khó nhất là việc giải thích cặn kẽ những khúc mắc về công tác thanh niên, về quyền lợi và trách nhiệm của người đoàn viên thanh niên trong thời kỳ mới xóa bỏ bao cấp. Tôi phải đọc sách báo, tài liệu và hỏi các anh ở trên, nhất là những người đi nhiều”.

Ông Nông Đức Bào (trái) và anh Hoàng Văn Chính (Bí thư Đoàn xã Sóc Hà, H.Hà Quảng, Cao Bằng) bên cột mốc 643

M.T.H

Kết nạp Đoàn ở hang Pắc Bó

Để thu hút thanh niên và quảng bá hoạt động vào những năm tháng đó, Bí thư Nông Đức Bào chủ động liên hệ với Đồn biên phòng Sóc Hà bàn kế hoạch phối hợp tổ chức các chương trình văn nghệ. Các tiết mục do đoàn viên Sóc Hà đảm nhiệm chính, có sự tham gia của đoàn viên Đồn biên phòng và các nghệ nhân yêu thích văn nghệ ở các xã lân cận. Đầu những năm 1990 chưa có điện, không truyền hình, video, nên mỗi khi Đồn biên phòng chạy máy phát điện phục vụ văn nghệ, người dân lại đến xem đông nghịt. Và sau mỗi buổi ấy, lại thêm nhiều thanh niên xin gia nhập vào Đoàn.

Ông Hà Minh Trần, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng (1990 - 1994), kể: Đầu tháng 6.1994, ông dẫn đoàn khách Lạng Sơn lên thăm hang Pắc Bó (xã Trường Hà, H.Hà Quảng), thì thấy một đơn vị tổ chức lễ chào cờ. Hỏi ra, mới biết đó là hoạt động tham quan, kết hợp tổ chức kết nạp đoàn viên mới của Đoàn xã Sóc Hà, do Bí thư Nông Đức Bào khởi xướng. Ngay sau đó, cách làm này được nhân rộng ở tỉnh.

Cuối năm 1994, Tỉnh đoàn Cao Bằng tổ chức Đại hội lần thứ 9 và hội trại tại Ba Bể (Bắc Kạn), trong khi các báo cáo tham luận của 13 huyện thị đều nêu khó khăn “tổ chức Đoàn tan rã, mất phương hướng hoạt động sau xóa bỏ bao cấp”, thì tham luận của Đoàn xã Sóc Hà (đại diện cho Hà Quảng) về cách làm, hướng đi mới cho hoạt động được nhiệt liệt hoan nghênh. Cũng tại đại hội, ông Nông Đức Bào được ông Vũ Ngọc Ly, Phó bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, thay mặt Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ. (còn tiếp)

“Số người Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, ngoài dân giáp biên còn có cả người ở địa phương phía sau (có cả một số cơ quan nhà nước), đã đi sâu vào nội địa các tỉnh thành. Nhiều người lợi dụng vượt biên buôn lậu, làm cho tình hình biên giới hỗn loạn. Hàng hóa của ta đưa qua biên giới có cả những hàng chiến lược cấm xuất (gạo, trâu bò, xăng dầu, dược liệu quý, đồng, nhôm, sắt thép...), đã xảy ra việc cắt phá đường dây tải điện, điện thoại, phá máy móc lấy kim loại để bán”...

(Nguồn: Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, 1989)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.