Biệt đội chống lấn chiếm biên giới: Giữ từng tấc đất

25/03/2022 06:58 GMT+7

Đầu tháng 3.2022, chúng tôi lên Cao Bằng gặp cựu Bí thư Đoàn xã Sóc Hà Nông Đức Bào, nay đã 63 tuổi và nghỉ hưu từ 10 năm trước. Ông Bào dẫn chúng tôi và anh Hoàng Văn Chính (34 tuổi, hiện là Bí thư Đoàn xã Sóc Hà) đi dọc biên giới, ra mốc 643 kể lại câu chuyện đoàn viên, thanh niên bảo vệ biên giới hơn 20 năm về trước.

Ở cửa khẩu Sóc Giang, xã Sóc Hà, H.Hà Quảng (Cao Bằng) bây giờ, tòa nhà liên hợp đang xây dựng mới, ngay sau trạm kiểm soát 2 tầng cũ kỹ. Ông Nông Thanh Khoa, nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng bảo: “25 năm trước, căn nhà này xây trong sự đe dọa của họng súng bên kia”…

Ông Nông Đức Bào chỉ về trạm kiểm soát liên hợp, xây dựng từ tháng 6.1997 và kể chuyện chống lấn chiếm

MAI THANH HẢI

Thanh niên chống vượt biên

Đại tá Ma Quang Nghị, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ đội biên phòng Cao Bằng, nhớ lại đầu năm 1993 nhận chức chính trị viên Đồn biên phòng Sóc Hà (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang): “Việc mở cửa biên giới nảy sinh tình trạng buôn lậu, trộm cướp. Hồi ấy, phía Trung Quốc thu mua sắt thép với điều kiện là phải dính… bê tông, khiến người dân đập phá, tìm kiếm ở các khu vực có công trình phòng thủ của ta. Từ năm 1993 - 1997, chúng tôi bắt 18 vụ nhưng không ngăn chặn hết được”. Theo đại tá Nghị, thời điểm đó quân số của đồn ít, nhiều nhiệm vụ, nên phải thúc xã tăng cường lực lượng.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự của xã Sóc Hà thuộc phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, nhưng vị này loay hoay mãi nên cấp trên giao cho chỉ huy trưởng quân sự xã, và sau đó chuyển cho Bí thư Đoàn xã Nông Đức Bào, với chức danh thêm “chính trị viên - phó quân sự xã”.

Nhận nhiệm vụ, Bí thư Bào chỉ yêu cầu: “Củng cố lại dân quân xóm xã, giao lực lượng này đảm trách an ninh trật tự”, và ra điều kiện: “Trang bị vũ khí cho dân quân và thành lập 1 trung đội cơ động”. Được cấp trên đồng ý, ông Bào vừa huấn luyện vừa tổ chức dân quân tuần tra kiểm soát địa bàn. Với các dân quân là đoàn viên, Bí thư Bào còn huy động tu sửa đường làng ngõ xóm, cầu cống và bảo vệ tài sản hoa màu của dân.

Thời điểm các đối tượng ào ạt vượt biên thu mua hàng hóa trong nội địa, cấp trên giao nhiệm vụ “tổ chức dân quân tuần tra, ngăn chặn những người vượt biên trái phép”, Bí thư Đoàn xã Nông Đức Bào trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân và chọn các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên dũng cảm nhiệt tình… đưa vào lực lượng dân quân cơ động, phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới.

Ông Nông Đức Bào vẫn giữ mảnh vỡ đập phiến đá của Trung Quốc đặt sâu vào đất ta cuối năm 1994 nhằm âm mưu lấn chiếm

ĐỘC LẬP

Búa tạ đập bia lấn chiếm

Khu vực Phai Luông thuộc xã Sóc Hà có diện tích 0,32 ha do người dân xóm Nà Sác khai phá, canh tác lâu đời. Ông Hà Văn Hàm, nguyên Chủ tịch UBND xã Sóc Hà (1990 - 2004) kể: Cuối năm 1994, phía Trung Quốc cho dân binh khiêng các phiến đá khắc chữ Hán đặt sâu vào trong đất ta 150 - 200 m ở khu vực đồi Phai Luông. Khi lính Trung Quốc rút khỏi khu vực chôn đá, lãnh đạo xã và đồn biên phòng giao nhiệm vụ cho ông Nông Đức Bào chỉ huy lực lượng phá hủy các phiến đá trên.

Lực lượng tham gia là các dân quân có sức khỏe, tinh thần dũng cảm, được trang bị búa tạ đập đá và các vũ khí tự vệ. Đúng giờ “G”, gia đình anh Nông Văn Thuyết ở cạnh cửa khẩu Sóc Giang bật loa đài to hết cỡ, tưng bừng hát hò để nghi binh, át tiếng búa phá của các tổ đang đập tan các phiến đá ngang ngược. “Hôm sau, lính Trung Quốc đến mốc 114 (nay là khu vực giữa mốc 647 và 648, cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng) ngó nghiêng. Chúng tôi lên kiểm tra các phiến đá vừa đập, vác các mảnh vỡ về làm chứng cứ đấu tranh. Từ đấy, chúng không dám cắm đá nữa”, ông Hàm cười.

Bộ đội biên phòng đồn Sóc Hà (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang) và cán bộ nhân dân xã Sóc Hà (bên phải) đấu tranh ngăn chặn thanh niên và dân binh Trung Quốc định tràn sang đập phá, ngăn cản phía ta thi công trạm kiểm soát liên hợp, sáng 7.6.1997

NÔNG ĐỨC BÀO

Đối ngực với súng đạn

Từ tháng 1.1995 - 12.1999, ông Nông Đức Bào chuyển sang làm Phó chủ tịch UBND xã Sóc Giang. Nói về cấp dưới của mình, ông Hà Văn Hàm (năm nay 81 tuổi, đang nghỉ hưu tại xóm Cốc Nghịu, xã Sóc Hà) nhận xét: “Không có sự nhiệt huyết, dũng cảm của Bào và anh chị em đoàn viên thanh niên - dân quân ở xã, thì chúng ta khó có được cửa khẩu Sóc Giang như bây giờ”.

Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng, và ngày 3.6.1997 khởi công xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở vị trí cách mốc 114 khoảng 25 m về phía Việt Nam.

"Chủ trương nhà nước ta mong muốn sớm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Mọi vấn đề xảy ra trên biên giới giải quyết bằng con đường thương lượng, đàm phán, từng bước kéo Trung Quốc xuống thang, buộc phải ngồi lại giải quyết các vấn đề về đường biên giới. Vì vậy, đấu tranh chống các hoạt động xâm canh, xâm cư, di chuyển mốc giới, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc, phải quán triệt quan điểm giữ vững độc lập chủ quyền, kiềm chế không mắc mưu khiêu khích của phía Trung Quốc. Vận dụng linh hoạt các biện pháp, hình thức đấu tranh, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân vùng biên giới"…

(Nguồn: Đối sách giải quyết tình hình Trung Quốc lấn chiếm; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tháng 7.1991)

“Ngay khi ta làm lễ động thổ, phía Trung Quốc đã phản ứng”, ông Nông Thanh Khoa kể vậy và chi tiết: Ngày 7 - 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ Bình Mãng bên đó và bắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang ta tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống. Đồng thời, 1 đại đội lính Trung Quốc đào công sự từ mốc 113 (nay là khu vực mốc 642) đến mốc 115 (nay gần mốc 644), triển khai lực lượng áp sát cửa khẩu, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong sáng 7.6.1997, phía Trung Quốc còn cho binh sĩ ra cửa khẩu khiêu khích vũ trang.

“Chúng tôi không bất ngờ bởi đã có phương án cụ thể”, ông Nông Đức Bào nói vậy và kể: “Trước ngày khởi công, từ tỉnh - huyện - xã đều thành lập Ban chống lấn chiếm thường trực 24/24 tại cửa khẩu Sóc Giang, và mỗi ngày đều huy động 200 - 300 người từ Sóc Hà và các xã khác (Nà Sác, Trường Hà, Quý Quân, Xuân Hòa) tăng cường đấu tranh”.

Buổi sáng 7.6.1997, ông Nông Đức Bào phụ trách tổ chống lấn chiếm của xã Sóc Hà. Khi thấy gần 100 thanh niên Trung Quốc mang cuốc xẻng ra mốc 114, ông kêu gọi lực lượng ta dàn hàng ngang, chặn lại. Ông Bào kể: “Những thanh niên này không phải dân Bình Mãng (Trung Quốc) nên bị những người già ở Sóc Hà vạch trần ngay. Ông Nguyễn Văn Đắc, trưởng xóm Trúc Long bên ta thẳng thắn: Dân địa phương bên ấy biết nên không tham gia. Các cháu bị đẩy ra làm điều ngang ngược, về đi”…

Đuối lý, phía Trung Quốc rút đám thanh niên và khoảng 8 giờ 45 ngày hôm đó (7.6.1997), họ đưa binh lính mặc quần áo rằn ri, mang súng AK, định vượt mốc 114 để phá công trình. “Bọn chúng lên đạn roàn roạt, gí súng vào ngực tôi và bà con ta. Trong đầu tôi bật lên ý nghĩ: Phải chiến đấu rồi. Nhưng nhớ lại lời dặn của trung tá Nguyễn Đức Dậu, Đồn trưởng biên phòng Sóc Hà thời điểm ấy: Chúng ta không để chúng kiếm cớ gây xung đột, nên tôi hô bà con khoác vai nhau kết thành bức tường. Khoảng 10 - 15 phút, không thấy ai sợ hãi, tên chỉ huy đành hô khẩu lệnh cho lính rút lui”, ông Bào kể thêm.

Những ngày sau đó, bộ đội biên phòng và cán bộ nhân dân H.Hà Quảng túc trực bảo vệ trạm kiểm soát liên hợp. Đến cuối tháng 7.1997, khi tòa nhà liên hợp cơ bản hoàn tất xây thô, phía Trung Quốc mới rút lực lượng về phía sau, chấm dứt việc ngăn cản, phá hoại công trình ta.

Đầu tháng 3.2022, chúng tôi lên Cao Bằng gặp cựu Bí thư Đoàn xã Sóc Hà Nông Đức Bào, nay đã 63 tuổi và nghỉ hưu từ 10 năm trước. Ông Bào dẫn chúng tôi và anh Hoàng Văn Chính (34 tuổi, hiện là Bí thư Đoàn xã Sóc Hà) đi dọc biên giới, ra mốc 643 kể lại câu chuyện đoàn viên, thanh niên bảo vệ biên giới hơn 20 năm về trước và bảo: “Huy động sức người thì dễ. Nhưng để người trẻ tự nguyện đóng góp vì cái chung, vì lý tưởng mới khó, mới là làm Đoàn”…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.