Biệt đội F0

25/08/2021 16:17 GMT+7

5 ca F0 có sức khỏe đi giúp các F0 khác từ ăn uống vệ sinh, đi đứng, thở ô xy... Họ được nhân viên y tế, bệnh nhân gọi một cách trìu mến là “Biệt đội F0”.

"Biệt đội F0" là câu chuyện ở Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), nay tạm chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị Covid-19.
Gần 11 giờ ngày 24.8, PV Thanh Niên có mặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, lúc này nhiều F0 đang phơi nắng dưới khuôn viên khu vực cách ly, điều trị; một số F0 khác thì đi phát cơm, hay vận chuyển bình ô xy.

5 thành viên của "Biệt đội F0"

ẢNH: Q.Q

“Bệnh nhân phơi nắng và đang tập thở, giờ nhìn họ khỏe vậy chứ tối đến nhiều người mệt, khó thở nên phải chuẩn bị ô xy sẵn”, bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn vừa đi vừa giải thích. Ông chỉ tay và gọi tên 5 nam thanh niên đang phát cơm và kéo bình ô xy rồi bảo: Đó là nhóm F0 tình nguyện hay còn gọi là “Biệt đội F0” mới lập của bệnh viện.

Bác tài GrabCar khóc cười cùng F0 xuất viện trên những chuyến xe miễn phí

“Sau khi khóc, tôi đã khỏe như trâu”

Đẩy xong bình ô xy vào phòng bệnh, anh Đặng Minh Tân (37 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) ra giữa sân tập thở. Bác sĩ Đặng Quốc Quân cho phóng viên số điện thoại anh Tân để trao đổi, không phải tiếp xúc gần, hơn nữa cũng sợ anh Tân nói nhiều sẽ mệt vì vừa có xét nghiệm âm tính 1 lần. Anh Tân lắc đầu bảo mình khỏe rồi, nói to được. Mặc dù mang khẩu trang, đứng khá xa với phóng viên, nhưng anh Tân nói to và rõ ràng.

 Anh Đặng Minh Tân kéo bình ô xy cho bệnh nhân sử dụng

ẢNH: DUY TÍNH

Anh cho biết mình làm nghề kinh doanh tự do và không may bị nhiễm Covid-19 qua kiểm tra vào ngày 2.8. Đến ngày 6.8, anh được chuyển vào Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. Sau 20 ngày điều trị, đến nay anh bảo mình “khỏe như con trâu”.
Phóng viên hỏi khỏe rồi sao anh không về, anh hồn nhiên: "Ở đây vui quá. Tôi sẽ ở đây để trả lại những gì y bác sĩ bệnh viện đã cho tôi, đã cứu sống tôi. Tôi giống như được sinh ra lần thứ 2 vậy".
“Tôi sẽ kể lại câu chuyện của tôi để giúp mọi người mau hết bệnh”, anh Tân thổ lộ.
Đứng giữa sân trong khu điều trị F0 của bệnh viện, anh Tân bộc bạch: "Tôi bị sốt, nóng, lạnh… mà 3 ngày đầu tưởng viêm amidan. Đến khi chịu không nổi, vào bệnh viện khám thì phát hiện nhiễm Covid-19 và nhập viện. 4 ngày đầu tôi sốt li bì, cổ họng đau rát như bị ai xé, và thở nặng nhọc như có ai đè vào cổ. 4 ngày liền miên man không ăn uống được. Tôi đi vệ sinh và gục ngã trong đó. Là người vốn khỏe mạnh bỗng nhiên bị như vậy, tôi muốn chết cho rồi!".

Phụ trách và truyền lửa cho nhóm "Biệt đội F0" là anh Đặng Minh Tân

ẢNH: DUY TÍNH

“Đêm đó ai cũng ngủ, tôi quá mệt, không thể mặc đồ được và tôi đi vào nhà vệ sinh mà không một mảnh vải che thân”, anh Tân kể về kỷ niệm khó quên của đời mình.
Nhưng dưới sự động viên của các bác sĩ, anh nghĩ mình phải đứng dậy, phải sống. Thế là sang ngày thứ 5 nhập  viện, anh ngồi bật dậy và quyết tâm chống chọi với con vi rút.
“Điều đầu tiên khi hết bệnh (âm tính lần 1) là tôi viết tâm thư cho giám đốc bệnh viện bày tỏ sự biết ơn và xin làm tình nguyện viên chăm sóc các F0 khác. Tôi và vợ đã khóc rất nhiều vì những tưởng sẽ không qua khỏi. Riêng tôi đã khóc nấc 3 tiếng đồng hồ. Mà có lẽ nhờ vậy mà phổi tôi nở ra, tôi “khỏe như trâu" và đã có thể đi bộ lòng vòng quanh sân”, anh Tân chia sẻ.

Chưa có chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, có được tiêm mũi 2?

Xin vợ cho đi làm tình nguyện để thỏa lòng

"Chừng nào anh sẽ về nhà?",  chúng tôi hỏi anh Tân.
“Khi dịch xong tôi mới về, có thể đến tháng 12. Vợ tôi đang mang thai đứa con thứ 2 đã 7 tháng. Ở nhà vợ con tôi có cơm ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, hết mùa Covid-19 tôi về, đi làm kiếm cơm tiếp. Tôi nói với vợ: Người ta đi lính 10 năm, 20 năm được, anh ở đây trải qua mùa Covid-19 và còn sống. Hãy để anh đi cho thỏa lòng. May sao vợ đồng ý", anh Tân kể. 
Khi nói về vợ con, giọng anh Tân chùng xuống vì nhớ vợ thương con, cũng muốn về nhà ôm vợ con vào lòng nhưng hơn hết, anh muốn "vượt qua chính mình" để được trở thành một tình nguyện viên giúp đỡ các F0 khác.

F0 lành bệnh hỗ trợ F0 đang điều trị sẽ giúp giảm gánh nặng cho nhân viên y tế, để nhân viên y tế tập trung vào chuyên môn

ẢNH: DUY TÍNH

Anh Tân nói mình muốn dùng hết trái tim, suy nghĩ để xây dựng câu lạc bộ F0 nhằm truyền cảm hứng cho các F0 mới vào. Đó là trải lòng cho các F0 về những tình huống mình từng trải qua khi là F0; tư vấn về cách ăn uống, thở ô xy, dùng thuốc… để F0 vào sau mau hết bệnh, giúp giảm thời gian điều trị từ 14 ngày xuống 12 ngày, thậm chí là 7 ngày; vừa giúp giảm chi phí điều trị, vừa có chỗ cho F0 mới. Đó là điều lớn nhất khiến anh muốn ở lại.
"Anh có lo sợ vợ con ở nhà bị lây nhiễm Covid-19?", chúng tôi hỏi. “Nếu có lỡ mắc thì vào bệnh viện, bác sĩ đã chữa tôi được thì vợ con tôi chắc rằng cũng sẽ chữa trị được”, anh Tân tin tưởng.

Vừa chăm vợ con vừa giúp F0

Ở "Biệt đội F0" mới thành lập còn có anh Đinh Văn Bảo (26 tuổi, tạm trú Q.12) hiện khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh.
Anh Bảo nhớ lại: "Vợ tôi sau 10 ngày sinh mổ, đi cắt chỉ tại Bệnh viện Tâm Trí (Q.12) thì được phát hiện nhiễm Covid-19. Trong lúc vợ ở bệnh viện thì ở nhà tôi và đứa con 10 ngày tuổi cũng sốt, con thì 10 tiếng chưa bú. Tôi ôm con lên bệnh viện để mẹ cho bú và test Covid-19, kết quả cả 2 cha con đều nhiễm Covid-19".

Dù gia cảnh rất khó khăn nhưng anh Đinh Văn Bảo vẫn giúp F0 khác trong bệnh viện bằng tấm lòng và sức lực của mình

ẢNH: DUY TÍNH

Sau đó, vợ anh Bảo có biểu hiện khó thở nên được chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn nên cả gia đình được chuyển vào ở cùng phòng.
"Ở bệnh viện, tôi vừa chăm vợ con, khi khỏe thì giúp các F0 nặng hơn, như cho ăn, dẫn F0 lên cầu thang, đẩy ô xy… Phải cùng giúp nhau vượt qua khó khăn giai đoạn này", anh Bảo tâm sự.
“Ở câu lạc bộ F0 này, ai khỏe thì đi làm, chia ra làm, ai có khó khăn gì thì nhắn lên group. Tất cả đều tình nguyện và đồng lòng”, anh Đặng Minh Tân chia sẻ.
Lan tỏa tinh thần tình nguyện
Ngày 24.8, bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, ký quyết định thành lập Nhóm tình nguyện F0 hay còn gọi là “Biệt đội F0”, gồm 5 thành viên do anh Đặng Minh Tân làm nhóm trưởng. Phân công bác sĩ Ngô Cao Dũng, Trưởng phòng quản lý chất lượng phụ trách nhóm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Quân cho biết “Biệt đội F0” sẽ “chia lửa” đắc lực cho nhân viên y tế trong bối cảnh hiện nay vì bệnh viện đang điều trị cho 700 ca F0. Họ sẽ được tập huấn các kỹ năng chăm sóc bệnh nhân ngoài việc đẩy bình ô xy, mang cơm nước. Sau đó họ sẽ được đưa vào hỗ trợ các bệnh nhân nặng hơn. Về chế độ, họ được lo ăn uống và hưởng các chính sách khác như tình nguyện viên chống dịch. “Biệt đội F0” sẽ giúp lan tỏa tinh thần thiện nguyện cho các F0 khác cùng tham gia, F0 nào không làm nữa thì sẽ có F0 khác thay thế…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.