'Biệt đội' giải cứu điện ở Sài Gòn

24/12/2018 12:09 GMT+7

Làm việc giữa dòng điện 22kV, các thành viên trong đội sửa chữa điện nóng (đường dây đang có điện) luôn có mặt kịp thời khắc phục các sự cố khó nhằn nhất...

Sài Gòn một buổi trưa âm u, ngồi nghỉ mệt sau hàng giờ đồng hồ hỗ trợ đồng nghiệp từ dưới đất, ông Bùi Quang Tuyến, 56 tuổi (thành viên “biệt đội” sửa điện ) tá hỏa khi nhận được tin một sự cố vừa xảy ra trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình).

“Anh em sắp xếp đồ nghề chuẩn bị lên đường. Một nửa ở đây trực chờ, nửa còn lại theo tui nhé”, nói rồi ông tức tốc lên xe, chẳng mấy chốc mất hút giữa dòng xe đông nghịt.

Xe chuyên dụng giúp “biệt đội” giải cứu điện có mặt ở bất kỳ vị trí nào trên địa bàn thành phố

Nghề sửa điện quả không dành cho những người “yếu vía”. Mặc dù có các thiết bị hỗ trợ nhưng làm ở độ cao hàng chục mét giữa dòng điện trung thế đang chạy “rần rần” là điều không hề dễ dàng.

Tới nơi, anh Trương Quốc Trung (30 tuổi) lật đật leo lên thùng xe cách điện, rồi cứ thế từ từ di chuyển lên cao. Bên dưới, anh Nguyễn Duy Bảo Long (40 tuổi) lấy dây rào chắn xung quanh để người dân kịp thời né tránh.

Nón bảo hộ, thùng xe cách điện và cả... mắt kính luôn đồng hành với công nhân
Chuẩn bị đồ nghề lên thùng cách điện, sau đó di chuyển từ từ lên đỉnh trụ điện để sửa chữa, làm việc trong lúc điện vẫn chạy “rần rần”

Anh Quốc Trung chia sẻ: "Tuy đã đeo găng tay và cả thùng xe đều cách điện, thế nhưng khi chạm vào đường dây, từ trường chạy vào cơ thể khiến tóc tai... dựng đứng hết cả lên. Mặt mày khi ấy bừng bừng nhưng làm riết tụi tui cũng quen "cảm giác mạnh" này rồi".

“Cảm giác ớn ớn nhưng tụi tui quen rồi. Chỉ sợ mạng lưới điện thấm nước, khi ấy thì nguy hiểm tới tính mạng rồi!”, anh Trung cười nói.

Lên tới đỉnh trụ điện, anh Trung miệt mài cắt, nối các đường dây. Mọi thao tác đều rất cẩn trọng. Đang ngước nhìn đồng nghiệp, anh Bảo Long chỉ vào hai bàn tay mình, bảo đây là hậu quả sau một lần gặp nạn.

“Làm việc khi dòng điện vẫn còn đương nhiên nguy hiểm rồi. Hồi năm ngoái tui bị bỏng 10% phải nằm bệnh viện Chợ Rẫy 3 tháng trời mới khỏi”, anh Long cho biết. Lần đó anh Long đang sửa bên Q.Gò Vấp, lúc xong xuôi mọi thứ, chuẩn bị trở xuống bất thình lình dây điện nổ tóe lửa. Giữa không trung nên anh không thể làm gì khác, cũng may sau đó đồng nghiệp kịp chở anh đến bệnh viện.

Anh Long nói đó là điều... bình thường và may mắn khi hiện tại anh vẫn có thể làm việc. Theo anh, có không ít trường hợp bị di chứng phải cắt đốt ngón tay, thậm chí mất cả tính mạng.

“Tui bị vậy là nhẹ mà. Giờ còn đứng đây, làm việc ngon lành coi như số còn hên”, anh Long cười nhẹ tênh rồi nói ớn nhất lúc đang làm mà trời mưa bất tử hay gặp sét đánh lại càng nguy to.

Anh Nguyễn Duy Bảo Long, 40 tuổi (bên trái màn hình) kể năm ngoái anh gặp nạn khi đường dây bất thình lình nổ tóe lửa, anh nằm Bệnh viện Chợ Rẫy 3 tháng và may mắn giờ vẫn có thể làm việc được
Làm việc giữa trời trưa nắng nên kính râm luôn được công nhân mang theo. Lúc trời mưa phải ngưng mọi hoạt động sửa chữa
Phút nghỉ mệt trên xe chuyên dụng của những thành viên trong “biệt đội” giải cứu điện
Chơ vơ giữa mạng lưới điện là công việc thường ngày của công nhân

Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc công ty dịch vụ Điện lực (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết hiện tại công ty có 16 tổ hoạt động ở tất cả các quận huyện trên địa bàn TP. Mỗi tổ có 5 – 6 thành viên. “Các tổ đều được trang bị các dụng cụ cách điện hiện đại và có nghiệp vụ tốt, thế nhưng nghề này đương nhiên vẫn có những rủi ro...”, ông Vũ cho hay.

 Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết: “Năm 1996, Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (nay là Tổng công ty Điện lực TP.HCM) bước đầu áp dụng công nghệ thi công sửa chữa lưới điện trung thế mang điện (live – line) đến cấp điện áp 24kV. Nhóm live line đầu tiên gồm 12 người được chuyên gia nước ngoài (người Mỹ) huấn luyện trực tiếp và cấp chứng chỉ hành nghề thi công sửa chữa điện nóng”. 

Ông Bảo cho biết hiệu quả nhất của việc thi công live-line là kéo giảm số lần và thời gian mất điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân trên toàn địa bàn thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.