Biết nhậu từ thuở 12, đến năm 17... chục chai mỗi lần

14/04/2023 12:00 GMT+7

Không khỏi bất ngờ khi những nam thanh thiếu niên chỉ ở độ tuổi từ 14-17 trở thành "dân nhậu" thứ thiệt với tửu lượng gây sốc.

Biết nhậu từ thuở 12, đến năm 17 chục chai mỗi lần...  - Ảnh 1.

"Bàn nhậu" là lòng đường, mồi nhậu là bịch khô bò và thuốc lá...

PHONG LINH

"Em uống rượu từ năm 13 tuổi"

Một đêm đầu tháng 4, một nhóm khoảng chục nam thiếu niên ngồi trong hẻm nhỏ trên đường Ni Sư Huỳnh Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM để... nhậu.

"Bàn nhậu" chính là lòng đường hẻm chật chội. Mồi nhậu vỏn vẹn chỉ một bịch khô bò, thêm vài gói thuốc. Thứ chính đó là những chai rượu trắng. Số lượng đủ mỗi thành viên mỗi chai.

Tán dóc vài câu trong từng mẩu chuyện nhỏ, mỗi thành viên lại cầm chai rượu lên "cụng" và đưa lên miệng. Hít hà vì vị cay nồng. Có thành viên châm lửa rít thuốc lá. Khói bay mịt mù...

Hỏi ra mới biết cả nhóm đang làm ở những cơ sở may gần đó. Sau khi ăn tối, cả nhóm hẹn hò tụ họp và hùn tiền mua rượu, tìm đến con hẻm nhỏ để nhậu nhằm ít người để ý.

Huỳnh Văn Tr. (16 tuổi), quê ở huyện Đông Hòa, Phú Yên, cho biết vì làm việc cả ngày nên mỏi người. Tối đến muốn tìm đến rượu để... giải mỏi. "Lúc 8 giờ tối, hú mấy đứa cùng quê làm ở những chỗ khác qua đây lai rai", Tr. kể.

Cũng theo Tr., mỗi lần nhậu, mỗi thành viên có thể uống cạn một chai rượu trắng (330ml). "Có đêm uống nhiều hơn. Chủ yếu là do không có tiền nên uống ít", Tr. nói.

Đặng Hoàng K. (17 tuổi), quê ở huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận, vừa nhả khói vừa nói: "Mỗi tuần nhậu 3, 4 lần gì đó. Cũng ở chỗ này. Có khi là ở chỗ thảm cỏ trên công viên Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình, TP.HCM - PV). Quan trọng là có tiền hay không thôi. Có tiền thì mới uống, chứ không có tiền thì lấy gì mua rượu mà uống". 

Thành viên nhỏ nhất là Lê Tấn Q. (15 tuổi), quê ở huyện Đông Hòa, Phú Yên. Dù nhỏ tuổi nhất nhóm nhưng Q. có thể "ai uống sao thì em uống vậy".

Q. cho biết: "Em uống rượu từ năm 13 tuổi. Hồi đó ở nhà, ông bà già đi làm. Em lấy rượu của ông già uống. Riết rồi quen. Nên giờ ai uống cỡ nào em uống cỡ đó à".

Khoảng chừng gần 2 tiếng đồng hồ. Những chai rượu đã cạn. Gương mặt mỗi thành viên cũng ửng đỏ. Thế nhưng họ vẫn chưa chịu dừng lại. "Mới có 21 giờ 30 phút thôi. Nhậu tiếp!", một thành viên đề xuất. Cả nhóm nhanh chóng đồng tình. 

Họ móc trong túi ra, mỗi thành viên chỉ vài ngàn đồng bạc lẻ nhàu nhĩ, gom góp để mua rượu mà tiếp tục cuộc vui.

Biết nhậu từ thuở 12, đến năm 17 chục chai mỗi lần...  - Ảnh 2.

Những người trẻ nâng ly

PHONG LINH

"Hai thằng có thể uống nguyên thùng"

Một đêm khác gần giữa tháng 4, quán nhậu trên đường Thái Thị Nhạn (Q.Tân Bình, TP.HCM) có một nhóm 6 khách. Đáng chú ý, tất cả đều là những thanh thiếu niên.

Hồ Văn Đ. (21 tuổi), quê ở H.Trà Bồng, Quảng Ngãi là người lớn nhất nhóm. Nhỏ nhất là Hồ Văn Q. (15 tuổi). Các thành viên khác chỉ 16, 17, 18 tuổi.

"Nay mới được ứng lương nên tụi em ra đây nhậu cho sướng một bữa. Chứ bình thường ăn cơm khô lắm, ngày nào cũng thịt kho và trứng chiên nên ngán. Ra đây nhậu, sẵn gọi vài món để... ăn cho ngon ngon", Đ. kể. 

Nói thì nói vậy, nhưng như chứng kiến của người viết, cả nhóm ăn thì ít nhưng uống thì nhiều. Tại bàn nhậu này, hình ảnh để lại "ấn tượng" nhất không phải là những gương mặt non choẹt cầm ly bia "nốc hơi nào là cạn hơi đó" mà là phía dưới bàn nhậu 6 thành viên có đến hơn hai thùng bia.

Hồ Văn S. (17 tuổi) nói: "Chỉ sợ không có tiền, chứ có tiền thì em uống nhiều lắm. Em biết nhậu từ năm 12 tuổi đấy. Nói thiệt, em đã từng nhậu với thằng bạn. Hai thằng có thể uống nguyên thùng. "Đô" em cao lắm đấy".

Người viết đã chọc chàng trai này: "Tính ra biết nhậu từ thuở 12, đến năm 17 chục chai mỗi lần nhỉ?". Nghe vậy, S. phản ứng liền: "Hơn chứ anh. Nguyên thùng 24 lon, nửa thùng là 12 lon. Có khi em uống nhiều hơn". 

Hỏi S. có cảm giác thèm nhậu hay "nghiện" nhậu không? S. cười: "Chắc là... có". Tiếp tục thắc mắc S. vậy "tửu lượng" được bao nhiêu, uống khi nào thì say? S. cười: "Em uống bia no thì thôi chứ say xỉn gì anh" (!?).

Ngồi kế S. là Hồ Văn Q.. Chàng trai này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng chẳng hề e dè hay rụt rè khi luôn "dô" một cách đầy hứng khởi và luôn uống 100% như những người anh.

Theo tìm hiểu, Đ., Q., S. đều là đồng hương ở H.Trà Bồng, Quảng Ngãi. Họ bỏ học từ rất sớm, sau đó rời quê vào TP.HCM mưu sinh kiếm sống bằng những công việc liên quan đến may mặc ở những cơ sở may thuộc khu vực Q.Tân Bình. Sau những ca làm việc, họ thường tìm đến bia hoặc rượu với lý do "cho đỡ nhớ nhà", "không phải buồn", "giải mỏi", "quên mệt"...

Hỏi Đ. rằng dự định uống tới khi nào sẽ nghỉ? Đ. nhẩm đếm: "Mỗi đứa nãy giờ được 8 lon. Chắc thêm 2 lon nữa sẽ về để ngủ sáng mai dậy sớm còn làm".

Nghe vậy, S. chêm vào: "Tại mỗi đứa mới ứng được một ít tiền thôi, chứ có tiền nhiều nhiều thì cũng uống "khí thế" hơn".

Hồ Văn L. (18 tuổi) cầm ly bia chìa ra mời cả nhóm nâng ly rồi hẹn: "Nay "chơi" (uống - PV) rồi. Tối mai uống rượu nghen bây". Cả nhóm "OK" rõ to và những ly bia cụng nhau cái "cốp"...

Biết nhậu từ thuở 12, đến năm 17 chục chai mỗi lần...  - Ảnh 3.

"Dân nhậu" tuổi 15 chẳng hề hấn gì sau khi đã uống nhiều bia

PHONG LINH

Đáng lo ngại

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Thanh Hoa (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM), hiện tượng người trẻ nhậu nhẹt là hiện tượng có thật trong cuộc sống hiện nay. Đây là hiện tượng đáng lo ngại. Có những đề tài nghiên cứu đã chỉ ra một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên nghiện nhậu và bị lệ thuộc vào bia rượu.

"Nhiều lý do để dẫn đến hiện tượng này. Như nhiều người trẻ bỏ học sớm, tập tành làm người lớn bằng cách uống rượu bia. Có những đứa trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình, bị bạn bè lôi kéo vào những cuộc nhậu và dần bị lệ thuộc vào bia rượu. Hệ lụy của hiện tượng này là rất lớn. Không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người trẻ có thói quen nhậu, mà chính việc nhậu nhẹt sẽ khiến người trẻ say xỉn, mất kiểm soát, có thể dẫn đến ẩu đả hoặc những hành vi vi phạm pháp luật... Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, đề phòng con cái tìm đến bia rượu. Người lớn cũng cần nâng cao tính nêu gương. Và hơn hết, mỗi người trẻ cần biết những hậu quả của việc nhậu gây ra mà tránh "lậm" vào thức uống có cồn, nói không với nhậu", chị Hoa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.