Hầu hết biệt thự xây từ thời Pháp tại nước ta đã xuống cấp trầm trọng và trở thành mối họa cho người sống bên trong. Phải nhìn lại chuyện này bắt đầu từ khâu quản lý.
Hiện trường vụ sập tòa biệt thự Pháp cổ - Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo phụ lục số 14 Danh mục biệt thự Pháp có giá trị của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội thì trong khu vực phố cũ Hà Nội có tổng cộng 1.253 biệt thự có giá trị. Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội vừa đổ sập hôm 22.9 thuộc nhóm 2. Từ sự cố này đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý biệt thự cũ thời Pháp mà chúng ta cần xem lại.
Cũng theo phụ lục trên, có 225 biệt thự xếp nhóm 1 (giá trị đặc biệt ); 382 biệt thự nhóm 2 (giá trị); 646 biệt thự nhóm 3 (giá trị trung bình). Việc duy tu bảo dưỡng, nội những biệt thự do Nhà nước quản lý đã chiếm kinh phí rất lớn, nếu không được thực hiện thì chuyện sập biệt thự cổ ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ còn tiếp diễn.
|
Lâu nay, thường chỉ có những biệt thự công vụ của cán bộ cao cấp sử dụng mới được nhà nước duy tu, sửa chữa. Vì thế tình trạng xuống cấp nặng và trở thành mối nguy hiểm đến sự an toàn của người sống bên trong của hàng loạt biệt thự xây từ thời Pháp là có thật. Chưa kể, nhiều biệt thư cổ còn phải “gồng mình” chứa 5-7, thậm chí chục hộ gia đình cùng chung sống, cơi nới và làm biến dạng công năng theo thiết kế ban đầu.
Nói về việc phân định trách nhiệm đối với các biệt thự cổ này, ông Phạm Tiến Văn, phó Cục trượng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Bộ Xây cho rằng, các nghị định từ trước đến nay đã đã phân định rất rõ trách nhiệm của các bên, các chủ thể cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, trách nhiệm trước hết về bảo trì thuộc chủ sử dụng và chủ sở hữu công trình. Sau đó là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra cũng như hướng dẫn trong việc thực hiện bảo trì.
Theo quy định hiện hành, số biệt thự cổ này thuộc diện Nhà nước quản lý, cho thuê chứ không được phép thanh lý như có hồi đã làm rồi bị dừng. Số tiền thuê nhà thu được vô cùng nhỏ nhoi, không đủ để quét vôi bên ngoài chứ đừng nói đến chuyện cải tạo bên trong hoặc dùng cho bảo dưỡng lớn. Các đợt thanh lý trước đây cũng gần như cho với giá thành hết sức rẻ mạt. Rất may là việc thanh lý đã được ngưng lại. Song không lẽ Nhà nước cứ giữ mãi chủ trương quản lý, thu tiền thuê nhà theo kiểu bao cấp này trong khi không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng.
|
Bên cạnh đó, chính sách đền bù giải toả cho người đã thuê nhà của Nhà nước trước đây cũng cần phải khác, không thể áp dụng mức giá mà chính quyền địa phương vài năm điều chỉnh một lần, rất xa lạ so với thực tế. Cách làm này sẽ khuyến khích công dân đang trú ngụ tại các biệt thực cổ hài lòng và chấp nhận ra đi .
Có thể sẽ còn những giải pháp tốt hơn cho câu chuyện này, để thay thế cách quản lý nhà biệt thự cũ vốn có quá nhiều bất cập. Hơn nghìn ngôi biệt thự Pháp cũ mà Nhà nước đang quản lý ở Thủ đô là một gánh nặng lẽ nào người dân phải đóng thuế "nuôi" nó? Có chăng, chúng ta chỉ nên giữ lại một cơ số nhất định dùng làm nhà công vụ cho các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước mà thôi. Ngay cả các biệt thự mà các cơ quan nhà nước đang thuê của... Nhà nước cũng nên thật hạn chế để tránh lãng phí.
Một cách tính đơn giản: nếu như chúng ta tổ chức bán đấu giá hoặc cho nước ngoài thuê, rồi dùng tiền bán được (hoặc tiền thuê) đó xây các cao ốc văn phòng, như thế, sẽ thu được một nguồn lợi vô cùng lớn cho ngân sách. Tại sao không ?
Bình luận (0)