Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương ngoài việc đề xuất cho rút ngắn bậc thang giá điện từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi cơ cấu tỷ trọng các bậc theo đề xuất của EVN và bộ phận tư vấn.
Cụ thể, 5 bậc giá điện bán lẻ mới gồm bậc 1 từ 0-100 kWh; bậc 2 từ 101-200 kWh; bậc 3 từ 201-300 kWh; bậc 4 từ 401-700 kWh và bậc 5 là trên 700 kWh. Trong đó, giá điện bán lẻ điện bậc 1, 2 và 3 được thiết kế giữ nguyên; bậc 4 (từ 401-700 kWh) giá 3.407 đồng/kWh và bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) là 3.785 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn bậc 4 và 5 hiện hành từ 105 - 483,6 đồng/kWh. Như vậy, hộ dùng trên 400 kWh điện mỗi tháng đều phải trả tiền cao hơn mức hiện hành.
Bộ Công thương giải thích việc thiết kế biểu giá điện sinh hoạt xuống 5 bậc nhằm đảm bảo hạn chế tối đa tác động đến các hộ sử dụng điện. Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700 kWh. Giữ nguyên giá điện hiện hành với các bậc từ 101-200 kWh và 201-300kWh; các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế tăng cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.
Hàng triệu hộ sẽ bị tăng tiền điện
Số liệu từ Tập đoàn điện lực VN (EVN) công bố trong lần tăng giá điện gần đây (tháng 10.2024) cho thấy nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh/tháng trở lên chiếm khoảng 3,2 triệu hộ, tương đương 11,3% khách hàng sử dụng điện.
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận xét dự thảo biểu giá bán lẻ điện được giảm 1 bậc, nhưng tập trung ưu tiên cho khu vực an sinh xã hội, tăng kWh điện ưu đãi cho hộ gia đình dùng ít từ 50 kWh điện đầu tiên lên 100 kWh. Khu vực hộ dùng từ 200-400 kWh có lúc trả thấp hơn, có khi tương đương. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là biểu giá bán lẻ điện đề xuất có xu hướng tăng thu từ hộ dùng điện nhiều. Chẳng hạn, hộ dùng 800 kWh/tháng, phải trả cao hơn 43.000 đồng theo cách tính bậc lũy tiến mới, từ 2,346 triệu đồng lên 2,389 triệu đồng. Hay như hộ dùng 900 kWh/tháng, sẽ phải trả 2,768 triệu đồng thay vì 2,676 triệu đồng theo cách tính 6 bậc hiện hành, chênh nhau hơn 91.000 đồng.
"Tôi đã góp ý nhiều lần trước đây là không nên tính giá điện theo bậc nữa, giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc không giải quyết được gì cả. Cách lập luận người dùng điện nhiều bù cho người dùng điện ít là không thể chấp nhận được trong bối cảnh nhu cầu dùng điện nhiều hơn ngày càng tăng. Dự báo của ngành điện là mỗi năm điện thương phẩm tăng 2 con số phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP. Như vậy, trong thời gian tới, nhu cầu dùng điện tại hộ gia đình cũng tăng, chứ không có chuyện giảm. Đó là nhu cầu cuộc sống. Chẳng hạn, gia đình trước khó khăn, dùng quạt máy, nay nắng nóng tăng, rất nhiều nhà lắp thêm máy điều hòa. Ngay cả các vùng quê, nhiều nhà trước hưởng gió trời, nay lắp thêm máy điều hòa, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ, người già… Vậy tính kiểu nào đi nữa thì số hộ dùng điện trên 400 kWh, thậm chí 700-900 kWh/tháng sẽ tăng theo thời gian. Thế nên, việc tăng thu tiền điện từ nhóm khách hàng này là điều vô lý", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhận xét về biểu giá điện mới.
Không chỉ người dùng nhiều bù cho người dùng ít, Bộ Công thương cũng đề xuất doanh nghiệp sản xuất bù chéo cho khu vực dịch vụ lưu trú. Cụ thể, dự thảo tách khách hàng là "cơ sở lưu trú du lịch" với các khách hàng kinh doanh khác sẽ được áp dụng cơ cấu biểu giá ngang bằng với khách hàng sản xuất.
Với quy định này, phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" có thể được xem xét để bù trừ giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Cụ thể, cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất tăng từ 1 - 2% so với giá bán lẻ điện bình quân và doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá điện từ 2,41 - 3,34% với phương án này. Nghĩa là với biểu giá điện mới, doanh nghiệp sản xuất sẽ bù cho khu vực dịch vụ lưu trú.
Không khuyến khích xe điện?
Ở dự thảo lần này, Bộ Công thương bổ sung trạm sạc xe điện vào nhóm khách hàng kinh doanh với 3 phương án. Phương án 1 là áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh; Phương án 2 là áp dụng giá điện cho mục đích kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới với mức giá tại khung giờ bình thường cao hơn giá bình quân từ 118 - 125%, khung giờ cao điểm cao hơn 174 - 195%, thấp điểm từ 71 - 75%. Phương án thứ 3 là áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất.
Bộ Công thương đánh giá phương án 1 không có tác động tích cực đến chính sách phát triển xe điện, làm tăng chi phí sạc điện, chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc điện gây ra cho hệ thống và bù chéo giữa các nhóm khách hàng. Phương án 2 thì giá điện các trạm, trụ sạc phải trả cao hơn mức cơ cấu áp dụng cho khách hàng sản xuất. Phương án 3 có tác động tích cực đến chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện nhưng sẽ phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Từ đó, Bộ đề xuất áp dụng giá điện cho các trạm, trụ sạc xe điện theo giá của phương án 2, rất cao so với giá điện doanh nghiệp sản xuất.
Trước đó, góp ý cho dự thảo quyết định này, EVN và Tổng công ty điện lực Hà Nội đều đề xuất nên tính giá điện tại trạm sạc xe điện bằng giá điện kinh doanh. Còn Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN đề nghị xem xét quy định bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện bằng với giá bán lẻ điện cho các hộ kinh doanh khác. Bộ GTVT lại đề xuất áp dụng giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện tương tự giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải... Thế nhưng, như nói trên, Bộ Công thương đang nghiêng về phương án 2 với giá cao hơn rất nhiều so với giá điện sản xuất.
Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình dẫn chứng các cường quốc dùng xe điện đều có giá điện bán cho nhà đầu tư trạm sạc thấp hơn giá điện kinh doanh với nhiều chính sách ưu đãi. Theo ông, VN đang đẩy mạnh các cơ chế phát triển năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn… Vì thế, một cơ chế để hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe điện là cần thiết. Hơn nữa, về phát triển công nghiệp, VN mới có nền công nghệ xe điện khá non trẻ, chính sách phát triển xe điện công cộng cũng đã có. Thế nên, giá điện cho trạm, trụ sạc xe điện cần xem xét hợp lý trong chiến lược chuyển đổi năng lượng, chuyển từ dùng xe xăng dầu sang xe điện của Chính phủ.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (ĐH Bách khoa Hà Nội), nhấn mạnh đối với người sử dụng xe điện, phải có ưu đãi về giá điện nhằm khuyến khích người dân tiên phong trong việc sử dụng phương tiện giao thông điện, sử dụng nhiên liệu sạch. Có như vậy, nhà đầu tư và người dùng xe điện mới mạnh dạn đầu tư, thay đổi phương tiện đi lại.
Cơ chế bù chéo chưa được thu hẹp
Bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện chưa được thu hẹp lại, không có lộ trình xử lý rõ ràng. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu phải chấm dứt bù chéo trong giá điện nhưng đến nay, luật Điện lực sửa đổi cũng mới đề cập đến việc giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa
Người dùng nhiều phải trả thêm tiền cho "hàng xóm" dùng ít
Nhận xét về dự thảo mới nhất về giá điện, chuyên gia Ngô Đức Lâm thẳng thắn nói: Dự thảo tờ trình lấy ý kiến rất nhiều lần, các chuyên gia phân tích và kiến nghị giảm bậc, thậm chí bỏ bậc, bỏ bù chéo ngay và luôn chứ không "tiến dần đến bỏ bù chéo" tiếp nữa. Bởi chúng ta đang đẩy mạnh thị trường mua bán điện, các chính sách liên quan đến ngành điện đang được đẩy nhanh nhất có thể trong bối cảnh nhu cầu đầu tư tăng, nhu cầu sử dụng năng lượng… đều khi kinh tế VN bước vào kỷ nguyên mới.
"Ngành điện hiện nay có đủ điều kiện để chuyển ngay sang thị trường mua bán điện cạnh tranh, các chi phí sản xuất điện cũng được tính toán lại theo quy định mới. Thế nên không nên xây dựng biểu giá điện theo hướng "bình mới rượu cũ" nữa. Cũng cần nói rõ ràng một lần là giá bán lẻ điện nên xây dựng với tinh thần không "cò cưa", ai hưởng lợi hay ai chịu thiệt nữa. Bởi không nên lấy tiền từ người này bù cho người khác, từ doanh nghiệp này, bù cho doanh nghiệp khác, mà phải xây dựng đúng quy luật thị trường", ông Lâm nêu rõ.
Theo ông Lâm, nếu thị trường bán lẻ điện vẫn còn thiếu sự công bằng, thiếu minh bạch thì rất khó cho chúng ta đẩy mạnh phát triển thị trường điện theo đúng xu hướng thế giới là xanh, sạch, tái tạo. Nếu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện theo 5 bậc mà không giải quyết vấn đề căn cơ là bỏ bù chéo thì không nhất thiết phải sửa.
"Nền kinh tế cần bù giá điện cho lĩnh vực nào cũng nên có chính sách cụ thể trong thời gian cụ thể, ví dụ khuyến khích xe điện trong thời gian bao nhiêu năm. Còn chính sách an sinh xã hội phải theo quỹ an sinh xã hội của nhà nước", chuyên gia Ngô Đức Lâm nói thẳng.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Bùi Trinh nhận xét: Biểu giá bán lẻ điện 5 bậc hoàn toàn không giải quyết được vấn đề căn cơ là sự bức xúc của người dùng liên quan cách tính giá tiền điện. Đã có rất nhiều ý kiến góp ý, không biết cơ quan soạn thảo tiếp thu thế nào nhưng bản dự thảo trình thẩm định cho thấy không có gì tối ưu hay hiệu quả hơn bảng giá lũy tiến đang bị nhiều người phản ứng hiện nay.
"Biểu giá bán lẻ điện 5 bậc tiếp tục lặp lại những vấn đề rất cũ, như căn bệnh trầm kha. Đó là người dùng điện nhiều hơn bù giá cho người dùng ít. Điều này có nghĩa là người dùng điện nhiều hơn vì nhu cầu có thật, phải chấp nhận trả thêm tiền cho "ông hàng xóm" dùng điện ít hơn. Thật khó thuyết phục khi cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định lại cho rằng giữ nguyên giá điện thấp cho bậc 1-100 kWh nhằm bảo đảm ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp; phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ dùng điện cao từ 401 kWh trở lên", ông Bùi Trinh bức xúc.
Theo ông Trinh, cách lý giải này khó thuyết phục. "Tôi nhiều lần góp ý xung quanh việc sửa đổi biểu giá điện bậc thang, rằng mục đích của chúng ta khi làm chính sách là phải bảo đảm văn bản thay thế, sửa đổi phải tối ưu hơn cái cũ. Tôn chỉ mục đích trong giá điện, giá nước, giá xăng dầu… phải bảo đảm tính công bằng xã hội, có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp", TS Bùi Trinh nhấn mạnh và cho rằng quy định như dự thảo thì rất nhiều hộ gia đình phải gánh giá điện cho các đối tượng khác. Điều này là thiếu công bằng, thậm chí không đúng luật. Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cần được bố trí từ nguồn ngân sách. Để người dùng điện bù chéo cho người dùng điện ít là không hợp lý.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cũng có nhận xét tương tự, rằng giá điện vẫn đang có nhiều bất cập mà các chính sách liên quan đang tìm cách tháo gỡ dần để tiến đến thị trường điện đúng nghĩa. Việc tính giá điện lũy tiến theo bậc cũng là một trong những bất cập được nói đến lâu nay. Giá điện gánh quá nhiều mục tiêu, thậm chí có những mục tiêu trái ngược nhau như vừa kìm lạm phát, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hút đầu tư, an ninh năng lượng, vừa tính đủ tính đúng… Mục tiêu nào cũng phải gánh thì chắc chắn có sự xung đột trong thực thi.
Chưa công bằng
Với cách đưa ra biểu giá điện bậc thang chăm chăm vào việc thu cao từ "anh" dùng điện nhiều để bù cho "anh" dùng điện ít là chưa bảo đảm tính công bằng xã hội. Hơn nữa, trong một xã hội mà chúng ta hướng đến phải tăng thu nhập cho người dân, tăng GDP… thì việc áp giá điện cao cho người dùng điện nhiều hơn là đi ngược mục đích tăng chất lượng cuộc sống của người dân.
TS Bùi Trinh
Bình luận (0)