Biểu hiện run toàn thân xuất hiện ở người trẻ, nguyên nhân do đâu?

16/02/2025 04:15 GMT+7

Run là triệu chứng của nhiều bệnh lý, thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, người trẻ tuổi nếu mắc phải chứng run này không được chủ quan vì có thể gây biến chứng tim mạch, ảnh hưởng thần kinh nếu kéo dài.

Chị N.N.N.H (22 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết mình đã mắc chứng run được 1 năm và tần suất tăng dần trong 1 tháng gần đây. “Tôi bị run toàn thân và run nhiều ở tay, chân, kèm theo khó thở, hồi hộp và tim đập nhanh. Tình trạng run thường kéo dài 1 buổi, nhưng cảm giác bồn chồn thường tới vài ngày sau mới hết”, chị H. nói.

Cường giáp là yếu tố cần được quan tâm nếu người bệnh có biểu hiện run

Các rối loạn về chuyển hóa trao đổi chất và hệ thống như cường giáp là yếu tố cần được quan tâm nếu người bệnh có biểu hiện run

Ảnh: AI

Nguy cơ tổn thương thần kinh vĩnh viễn

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, run là sự co cơ nhịp nhàng, không tự chủ, dẫn đến tình trạng run ở một hoặc một vài bộ phận trên cơ thể. Các hội chứng run được phân loại thành 8 loại chính:

Run khi nghỉ: Xảy ra khi cơ đang thư giãn, thường gặp ở bệnh Parkinson.

Run khi vận động: Xảy ra khi co cơ tự chủ. Các phân nhóm gồm:

  • Run tư thế: Khi cố gắng duy trì một tư thế chống lại trọng lực.
  • Run “vận động”: Khi vận động tự chủ.
  • Run tiểu não: Run nặng hơn và chỉ xảy ra khi đến gần mục tiêu.

Run vô căn: Dạng phổ biến nhất, thường ảnh hưởng đến tay, đầu, hoặc giọng nói.

Run thế đứng: Dạng run đối xứng tần số cao hiếm gặp liên quan đến chân và thân mình, thường gặp ở phụ nữ 60-70 tuổi.

Run sinh lý: Run nhẹ, thường gặp ở hầu hết mọi người nhưng ít được chú ý. Xuất hiện khi căng thẳng, chóng mặt, sử dụng chất kích thích như caffeine hoặc thuốc.

Run sinh lý tăng cường: Một dạng run sinh lý tăng lên do lo lắng, sốt, hạ đường huyết hoặc chất kích thích.

Run do loạn trương lực cơ: Run và loạn trương lực cơ có thể cùng tồn tại ở cùng một bệnh nhân. Run loạn trương lực hiếm gặp (0,03% dân số), không đều và giật cục, đặc trưng tư thế, thường ở bệnh nhân ít hơn 50 tuổi.

Run tâm lý (chức năng): Trong số tất cả các rối loạn vận động do tâm lý (PMD), run là triệu chứng phổ biến nhất, chiếm tới 50% tổng số PMD. Run do tâm lý có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi, tư thế hoặc vận động, nhưng hầu hết là kết hợp cả ba loại. Run thường bắt đầu ở cả hai tay và lan rộng ra cả đầu và chân.

Theo đó, các nguyên nhân chính gây run bao gồm các bệnh về rối loạn thần kinh: Parkinson (run khi nghỉ); bệnh đa xơ cứng, bệnh lý tiểu não (run khi vận động chủ ý); đột quỵ hoặc các tổn thương ở não; bệnh Wilson; các bệnh lý tổn thương thần kinh ngoại biên… Các rối loạn về chuyển hóa trao đổi chất và hệ thống như cường giáp, hạ đường huyết, rối loạn chức năng gan thận (do độc chất), rối loạn điện giải cũng có thể gây run. Ngoài ra, một số nhóm thuốc và độc chất cũng có liên quan tới biểu hiện run.

Được biết, chị H. còn có bệnh nền về dạ dày và rối loạn giấc ngủ mạn tính. Từ đây, bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho hay: “Với tiền sử bệnh như trên, nguyên nhân tâm lý như lo âu, stress, thiếu ngủ rất đáng cân nhắc. Tuy nhiên, cần kiểm tra thêm chức năng tuyến giáp, đường huyết và hệ thần kinh bằng các nghiệm pháp lâm sàng - cận lâm sàng để loại trừ các nguyên nhân thực thể khác”.

Nếu chứng run kéo dài và tăng dần có thể gây khó khăn trong đời sống hằng ngày; suy nhược cơ thể (nếu đi kèm căng thẳng kéo dài, mất ngủ, sút cân); tổn thương thần kinh vĩnh viễn trong một số bệnh lý thần kinh nếu không điều trị sớm; cường giáp hoặc rối loạn chuyển hóa không kiểm soát, từ đó có thể dẫn đến biến chứng tim mạch; ảnh hưởng tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm.

Biểu hiện run toàn thân xuất hiện ở người trẻ, nguyên nhân do đâu?- Ảnh 2.

Magie có trong hạnh nhân có tác dụng hỗ trợ chức năng thần kinh, giảm căng thẳng, tốt cho tim mạch

ẢNH: NHƯ QUYÊN

Dinh dưỡng và lối sống ra sao ở người trẻ có triệu chứng run?

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm giàu magie (hạt chia, hạnh nhân, rau xanh), kali (chuối, khoai lang, bơ), vitamin B6, B12 (trứng, sữa, cá hồi, ngũ cốc nguyên hạt).
  • Ăn đủ bữa, hạn chế đường tinh luyện: Giúp duy trì đường huyết ổn định.
  • Tránh caffeine, rượu, thuốc lá.
  • Tăng cường omega-3: Cá hồi, hạt lanh, giúp giảm viêm thần kinh.

Lối sống và sinh hoạt:

  • Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc (7-8 giờ/ngày).
  • Thực hành kỹ thuật thư giãn: Tập thở 4 thời (hít vào - nín thở - thở ra - nhịn thở và lặp lại chu trình), hít thở sâu để kiểm soát căng thẳng.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, bơi lội, yoga…
  • Giảm tiếp xúc với thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Khi có triệu chứng run, người bệnh nên hít thở chậm, sâu, ngồi xuống và đặt hai tay lên đùi hoặc ôm nhẹ bàn tay để giảm run. Có thể uống một ly nước ấm hoặc trà thảo mộc (trà hoa cúc, trà bạc hà) để làm dịu hệ thần kinh, đồng thời ghi lại thời gian xuất hiện và yếu tố kích hoạt để tìm ra nguyên nhân.

Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, một số yếu tố nguy cơ trong dinh dưỡng và sinh hoạt có thể làm tăng tình trạng run:

Thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ: Gây căng thẳng thần kinh, tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm.

Chế độ ăn thiếu chất: Thiếu vitamin nhóm B, magie, kali có thể làm nặng thêm tình trạng run.

Tiêu thụ caffeine, rượu, thuốc lá: Làm kích thích hệ thần kinh, gây run.

Căng thẳng kéo dài: Tăng tiết hormone cortisol, adrenaline, kích thích hệ thần kinh tự chủ.

Hạ đường huyết: Ở người ăn uống không điều độ, bỏ bữa sáng hoặc tiêu thụ nhiều đường đơn (bánh kẹo, nước ngọt).

Nếu triệu chứng run xuất hiện ngày càng dày đặc, người bệnh cần đi khám chuyên khoa nội thần kinh hoặc nội tiết để tìm nguyên nhân chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.