Nghịch lý
Ngày 19.4.1991, Công ty than Uông Bí (TUB), đơn vị thành viên của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Pt.Vietmindo Energitama, 100% vốn Indonesia (VMD). Theo đó, VMD sẽ đầu tư toàn bộ máy móc, công nghệ để khai thác trong 30 năm mỏ than Uông Thượng, Đồng Vông. Lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 90% cho VMD và 10% còn lại là của TUB. Đây là mỏ than lộ thiên có diện tích trên 1.000 ha, nằm trên địa bàn P.Vàng Danh, TP.Uông Bí và cũng là nơi có vỉa than tốt hạng nhất ở Quảng Ninh.
|
VMD chỉ việc khai thác trên mặt đất là đã dễ dàng thu được than cám 4, cám 5, là những loại than có chất lượng tốt nhất hiện nay. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thành viên Vinacomin như Công ty than Mạo Khê, than Núi Béo, thậm chí cả TUB phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào công nghệ khai thác hầm lò và dùng sức người đào sâu vào lòng đất cả trăm mét mới lấy lên được than.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng hợp tác và luận chứng kinh tế kỹ thuật quy định VMD chỉ được phép khai thác than nhằm mục đích duy nhất là xuất khẩu. Quy định của hợp đồng hợp tác khống chế mỗi năm VMD chỉ được phép khai thác 500.000 tấn than thương phẩm, tương đương khoảng 750.000 tấn than nguyên khai. Trên thực tế, nhiều năm qua VMD luôn khai thác vượt con số nói trên. Đơn cử năm 2010, VMD đã khai thác khoảng 750.000 tấn than thương phẩm, năm 2011 là trên 800.000 tấn.
|
Cũng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, toàn bộ các công đoạn sản xuất, khai thác và kinh doanh than được VMD thực hiện theo dây chuyền khép kín. Khai trường cũng như nơi sàng tuyển than của VMD luôn đặt trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”. VMD còn có cả một cảng riêng để xuất khẩu than mà muốn xuất hiện tại đây để kiểm tra hay thực hiện công tác về chuyên môn, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như đối tác TUB phải được sự cho phép của VMD (?!).
Còn chịu thiệt dài dài
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc TUB, thừa nhận tình trạng trên là có thật, nhưng “nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lịch sử để lại” và “bản thân chúng tôi là những người đi sau, thừa kế”. Theo ông Tứ, bản hợp đồng liên doanh trên danh nghĩa là do TUB ký kết với VMD nhưng thực tế TUB không được quyết định mà do Bộ Công nghiệp thời đó trực tiếp phê duyệt.
“Có thể nói, VMD là DN nước ngoài đầu tiên và cũng là duy nhất hợp tác kinh doanh với ngành than cho đến nay. Trong quá trình hợp tác chúng tôi thấy rằng việc ký kết hợp đồng thời điểm đó chưa tính toán hết những vấn đề phát sinh hay nói đúng hơn là có nhiều kẽ hở khiến mình phải chịu thiệt thòi”, ông Tứ nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hợp đồng ký kết giữa hai bên không hề có một điều khoản nào tạm dừng hoạt động của VMD kể cả trong trường hợp DN này vi phạm hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh đều ghi rõ VMD là người điều hành. TUB không được phép kiểm tra, thậm chí việc rót than xuống cảng đưa lên tàu nước ngoài cũng do VMD trực tiếp thực hiện và TUB không được phép can thiệp.
Đối với việc kiểm soát số lượng than do VMD sản xuất hằng năm, ông Phạm Văn Tứ cũng cho rằng chỉ được biết qua khâu hậu kiểm, bởi than từ mỏ lấy lên, sàng tuyển cho đến khâu vận chuyển ra cảng bán đều do VMD thực hiện, TUB không được phép kiểm tra trực tiếp. Mặc dù pháp luật Việt Nam bắt buộc việc khai thác khoáng sản hiện nay phải có giấy phép quy định về sản lượng theo hằng năm nhưng tại các mỏ của VMD, giấy phép khai khoáng không có hiệu lực, bởi hợp đồng liên doanh được ký trước thời điểm quy định về giấy phép khai thác khoáng sản.
Đánh giá về vai trò đối tác của TUB, ông Tứ cay đắng: “Chúng tôi chỉ biết đi vào đi ra và nghiên cứu khoa học mà thôi. Trước tình trạng này, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị VMD đàm phán lại hợp đồng với các điều khoản công bằng hơn cho đối tác nhưng đến nay họ chưa đồng ý. Điều này cũng đồng nghĩa với những thiệt thòi của chúng ta sẽ tiếp tục kéo dài cho đến khi hết hạn hợp đồng (tức năm 2021 - PV)”.
Trong khi đó, theo nhiều thông tin PV Thanh Niên có được, trong quá trình khai thác, VMD đã nhiều lần có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cho phép nâng sản lượng khai thác; đồng thời xin gia hạn kéo dài hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ông Phạm Văn Tứ cho biết thêm: “Than ở Uông Bí ngày càng cạn kiệt, chúng tôi cũng muốn giữ một phần tài nguyên để cho công ty mình khai thác nhưng bây giờ họ đang tiếp tục lập các dự án mới khai thác 1-2 triệu tấn. Việc này TUB không thể can thiệp được mà phải do các cơ quan khác cao hơn”.
Thất thoát, lãng phí rất lớn Nhìn từ bên ngoài, khai trường mênh mông của VMD là một khu vực biệt lập được bảo vệ bởi hệ thống barie có gắn các thiết bị giám sát điện tử cực kỳ hiện đại. Thế nhưng, đi sâu vào bên trong là cảnh tượng hàng trăm người dân thường trực mót than rất lộn xộn, nguy hiểm. Tại khu vực chứa bãi thải của VMD rộng tương đương một sân bóng đá nằm trên một triền núi, mỗi khi một chiếc xe tải vừa nghiêng thùng đổ đất đá, xít (bã thải sau khi sàng tuyển than) xuống thì từng đoàn người xông vào tranh cướp mót than. Mỗi người cầm theo một bao tải dứa và cào sắt nhẫn nại nhặt từng cục than cho vào bao. Chị Lê, một người mót than cho biết: “Nếu chăm chỉ thì mỗi ngày cũng được vài ba tạ than, bán được cỡ dăm trăm ngàn đồng, hơn hẳn làm nông ở nhà”.
Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng công an TX.Uông Bí, cho biết khai trường của VMD là khu vực cực kỳ phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Tại đây luôn có khoảng 500 - 600 người dân túc trực mót than, không ít đối tượng lợi dụng vào việc này để ăn cắp than. Căn cứ theo các điều khoản hợp đồng ký với Công ty than Uông Bí, VMD đã thuê một số DN bên ngoài vào tham gia bóc tách lớp đất đá bên trên để họ lấy than phía bên dưới. Tuy nhiên, phía VMD lại không quản lý được mà để cho một số đơn vị này tự tung tự tác, múc cả đất đá lẫn than lên để ăn cắp, hoặc bật đèn xanh cho người dân vào lấy than còn họ thu tiền “tô”. Thượng tá Thành còn cho biết: “Theo hợp đồng, mỗi năm VMD chỉ được khai thác một số lượng than nhất định, do đó họ sẵn sàng bóc tách lớp than tạp để khai thác vỉa than đẹp nhất. Điều này gây lãng phí cực lớn về tài nguyên quốc gia, gây bất ổn về an ninh trật tự, an toàn lao động”. Đáng lưu ý, vào tháng 5.2010, khi kiểm tra tại khu vực các DN khai thác, cơ quan công an đã phát hiện, thu giữ 19 khẩu súng các loại, 6 áo giáp chống đạn, 109 viên đạn cùng nhiều dao kiếm. Đầu năm 2011, lực lượng chức năng qua kiểm tra tiếp tục phát hiện, thu giữ được 7 khẩu súng, 30 viên đạn, cùng nhiều dao kiếm các loại. |
Thái Sơn - Káp Long
>> Bãi thải mỏ than Phấn Mễ vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
>> Gian nan cuộc chiến giữ than - Kỳ 1: Đột nhập lò than thổ phỉ
>> Gian nan cuộc chiến giữ than - Kỳ 2: “Đánh lò” thổ phỉ
>> Gian nan cuộc chiến giữ than - Kỳ 3: Chế tài quá nhẹ
Bình luận (0)