Tình hình Hồng Kông tiếp tục tăng nhiệt, với khu vực đụng độ trung tâm là Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU). Theo Reuters, thời gian gần đây PolyU được xem là “căn cứ” để phe biểu tình tổ chức các hoạt động chặn đường và phong tỏa đường hầm xuyên cảng, vốn là tuyến giao thông huyết mạch nối liền bán đảo Cửu Long và đảo Hồng Kông.
Giằng co quyết liệt
Sau cuộc đụng độ từ sáng 17.11 và kéo dài đến khuya cùng ngày, khoảng 5 giờ rưỡi sáng 18.11 cảnh sát chống bạo động tìm cách xông vào trường nhưng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của những người bên trong và phải rút khỏi. Vài giờ sau, các sinh viên và những thành phần mà theo tờ South China Morning Post gọi là “phần tử cực đoan” đồng loạt mở lối thoát ra ngoài theo nhiều hướng. Tuy nhiên, chỉ có một số người ra được, số còn lại buộc phải quay về nơi cố thủ ban đầu. Phía cảnh sát tiếp tục áp dụng chiến thuật phong tỏa, không cho phép tự do xuất nhập PolyU, cắt đứt nguồn viện trợ từ bên ngoài để gây sức ép đối với những người bên trong.
|
Trong ngày 18.11, những người ở bên ngoài đã tìm cách thu hút sự chú ý của các cảnh sát với hy vọng có thể giải tỏa áp lực đè nặng PolyU, báo The Guardian đưa tin. Gần như toàn bộ tuyến đường Nathan, chạy xuyên qua nhiều quận thuộc bán đảo Cửu Long, tràn ngập gạch đá, những thanh tre cỡ lớn và xe đậu la liệt trên lòng đường nhằm ngăn cản đà tiến của cảnh sát. Trong quá trình này, ít nhất 100 người đã bị bắt tại Tiêm Sa Chủy và cảnh sát cũng đã nổ súng. Tại cuộc họp báo vào chiều cùng ngày, chỉ huy lực lượng cảnh sát Tây Cửu Long, ông Trác Hiếu Nghiệp xác nhận đã bắt hơn 50 người khoác áo có dòng chữ “báo chí” hoặc “sơ cứu”, sau khi nghi ngờ do “một số phần tử bạo động giả trang”. Ông cũng kêu gọi những người đang cố thủ bên trong hãy “đầu hàng” và rời khỏi trường để tránh hứng vũ lực từ phía cảnh sát.
Các hiệu trưởng vào cuộc
Theo nhiều nguồn tin, số người cố thủ bên trong có thể lên đến 1.000. Đến tối qua, nhóm cựu sinh viên PolyU lên tiếng cầu cứu các tổ chức nhân đạo cung cấp nguồn viện trợ cho những người bên trong trường, và đặc biệt là các nạn nhân cần được điều trị y tế. Họ cho biết một số người bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng sau khi trúng vòi rồng. Trước tình hình trên, cảnh sát đã liên lạc với Hội Chữ thập đỏ để sắp xếp đưa xe cứu thương vào trường và tiến hành sơ cứu cho những người bị thương. Một số trường hợp nghiêm trọng được phép đưa vào bệnh viện. Tổng cộng đã có ít nhất 66 người bị thương trong các vụ đụng độ tại nhiều nơi ở Hồng Kông, theo Đài CNN.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh có con em mắc kẹt bên trong PolyU, bao gồm hơn 100 học sinh thuộc 40 trường khác nhau, đã ngồi chắn trước vòng vây của cảnh sát. Hiệu trưởng của 29 trường học đã liên lạc với cơ quan giáo dục, yêu cầu được gặp Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhằm tìm ra giải pháp cho phép đưa các em về nhà an toàn.
Trong một diễn biến liên quan, Tòa án tối cao Hồng Kông tuyên bố vi hiến đối với quy định cấm người biểu tình mang mặt nạ. Cùng ngày, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Ngô Khiêm lên tiếng trấn an về sự lộ diện bất ngờ của binh lính Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông trên đường phố đặc khu hồi cuối tuần qua. Ông cũng khẳng định việc chấm dứt bạo lực và khôi phục trật tự là nhiệm vụ khẩn thiết nhất tại Hồng Kông, theo AFP. Trong khi đó, Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận nhấn mạnh sẽ không có thỏa hiệp về vấn đề Hồng Kông, còn Hoàn Cầu thời báo gọi những người biểu tình là “khủng bố”.
Cũng trong hôm qua, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh tổ chức họp báo tại London và khẳng định Bắc Kinh sẽ không khoanh tay ngồi im và quan sát nếu biểu tình ở Hồng Kông trở nên không thể kiểm soát. Ông tuyên bố Bắc Kinh có đủ biện pháp và sức mạnh để chấm dứt bất ổn.
Bình luận (0)